Đồng rúp phục hồi mạnh mẽ
Đồng rúp Nga đã tăng giá 1,5% so với đồng đô la Mỹ, giao dịch ở mức 99,50 rúp/USD và tăng 2,4% so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đạt 13,57 rúp tại Sở giao dịch chứng khoán Moscow. Đây là lần đầu tiên đồng rúp vượt mốc 100 rúp/USD kể từ khi bị áp lực bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sự phục hồi của đồng rúp xuất phát từ sắc lệnh mới của Tổng thống Putin, cho phép các khách hàng châu Âu mua khí đốt Nga chuyển đổi ngoại tệ sang đồng rúp tại các ngân hàng không bị trừng phạt. Điều này đã mở lại các giao dịch ngoại hối, vốn bị đình trệ sau lệnh trừng phạt đối với Gazprombank ngày 22/11.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Gazprombank đã làm gián đoạn thị trường ngoại tệ của Nga, khiến đồng rúp mất giá 15% so với đồng đô la Mỹ. Tình hình càng tồi tệ hơn từ tháng 8/2023, khi cuộc xung đột tại khu vực Kursk của Nga làm gia tăng áp lực kinh tế.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov, sự biến động này chủ yếu do các vấn đề liên quan đến thanh toán năng lượng và các lệnh trừng phạt đối với Gazprombank. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng những khó khăn này sẽ sớm được giải quyết khi các giải pháp thanh toán mới được thực thi.
Sắc lệnh của ông Putin không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán khí đốt mà còn giúp giải phóng nguồn thu xuất khẩu lớn bị kẹt do các lệnh trừng phạt ngân hàng. Các nhà giao dịch cho rằng nguồn doanh thu này đã bắt đầu quay lại thị trường, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của đồng rúp trong một thị trường vốn rất mỏng.
Ngoài ra, ông Putin cho biết tới 90% thương mại quốc tế của Nga hiện sử dụng đồng rúp hoặc các đồng tiền của các quốc gia "thân thiện" như nhân dân tệ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ và euro vẫn tồn tại, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu Nga.
Tổng thống Nga Putin tham dự một cuộc họp báo ở Astana
Các ngân hàng Nga đã thích nghi ra sao với lệnh trừng phạt?
Các ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank không thể giao dịch đồng đô la và euro do bị loại khỏi hệ thống SWIFT quốc tế. Tuy nhiên, họ đã nhập khẩu lượng lớn tiền mặt ngoại tệ từ các nước thứ ba để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Các ngân hàng không bị trừng phạt, như chi nhánh của Raiffeisen (Áo), OTP (Hungary), và UniCredit (Ý), đóng vai trò trung tâm cho thị trường giao dịch ngoại tệ của Nga. Sau các lệnh trừng phạt, đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã trở thành đồng ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Nga.
Theo ông German Gref, CEO của Sberbank, giá trị hợp lý của đồng rúp nằm trong khoảng 100-105 rúp/USD, và ông không dự đoán bất kỳ biến động bất ngờ nào trong thời gian tới.