Ngày 23/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Ngành y vượt khó nhằm nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại".
Giám đốc BV Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đã nêu khó khăn của bệnh viện, đặc biệt là tình trạng khan hiếm vật tư y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh- VGP)
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, với những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay và trước đó như Giám đốc BV Bạch Mai, BV Việt Đức đã nêu, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt. Cụ thể:
Khó khăn thứ nhất là vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước. Về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này.
Trong thời gian vừa qua và trước mắt, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định. Trước mắt, Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Vấn đề thứ hai là trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, Bộ Y tế cho rằng cũng giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã nêu.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên (phải): Bộ Y tế đang tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn của ngành y tế Ảnh: VGP/Quang Thương.
Vấn đề thứ ba, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đã rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế xác định tập trung giải quyết là củng cố nguồn nhân lực y tế, đề xuất với Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để làm sao cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác.
Vấn đề thứ ba, Bộ Y tế đã phối hợp BHXH Việt Nam có hướng dẫn về việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế của năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.
Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Trong đó, thứ nhất là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, làm sao bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Y tế cũng đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cùng với đó, đã tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kết.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Ngoài việc nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của người dân, chúng ta còn phải nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong khu vực, để làm sao người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh ở trong nước đối với các bệnh đáng lẽ phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Cùng với đó, các cán bộ y tế có năng lực, có trình độ kỹ thuật cao có thể sẵn sàng ra các cơ sở y tế khu vực và quốc tế để tham gia khám chữa bệnh theo quy định và thông lệ quốc tế....