Quốc gia NATO đầu tiên gửi quân đến Ukraine để học kinh nghiệm chiến đấu, Nga cảnh báo mạnh mẽ

Trong thời gian qua, có nhiều cuộc thảo luận về khả năng phương Tây triển khai quân ở Ukraine với vai trò đảm bảo an ninh, nhưng đây là lần đầu tiên một nước thành viên NATO gửi quân đến Ukraine để học hỏi phương thức chiến đấu.

Binh sĩ Đan Mạch tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: EPA-EFE.

Theo tờ Kyiv Independent, thiếu tướng Peter Boysen, Tổng tư lệnh quân đội Đan Mạch, gần đây thông báo trên truyền hình về kế hoạch gửi binh sĩ tới Ukraine để tham dự khóa huấn luyện và học hỏi phương thức chiến đấu sử dụng máy bay không người lái (UAV) do Kiev tổ chức.

Cho đến nay, chưa từng có quốc gia châu Âu nào  đưa quân tới Ukraine để được huấn luyện như kế hoạch của Đan Mạch. Khóa huấn luyện có thể sẽ bắt đầu vào mùa hè năm nay. Địa điểm huấn luyện nằm tại một trung tâm quân sự ở miền tây Ukraine.

“Chúng tôi sẽ gửi vài nhóm quân nhân để học hỏi kinh nghiệm mà Ukraine tích lũy”, ông Boysen nói. “Quân nhân của chúng tôi sẽ không tham gia chiến đấu”.

Ông Boysen đã hai lần tới thăm Ukraine trong những tháng gần đây. Ông cho biết ý tưởng gửi quân nhân Đan Mạch tới huấn luyện ở Ukraine do Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky đề xuất.

"Trong 42 năm phục vụ trong quân ngũ, tôi chưa bao giờ chứng kiến mọi thứ diễn ra nhanh như hiện nay", Boysen nói, ám chỉ những tiến bộ trong hệ thống không người lái và chiến thuật được thúc đẩy bởi kinh nghiệm tác chiến sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.

Chương trình đào tạo sẽ bao gồm các nhóm đến từ các trung đoàn quân sự khác nhau của Đan Mạch. Các khóa học sẽ kéo dài một đến hai tuần và được tiến hành ở xa tiền tuyến, có thể gần thành phố Lviv.

Đại sứ quán Nga ở Copenhagen đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch mà quân đội Đan Mạch công bố. Đại sứ Nga Vladimir Barbin gọi động thái mới này là hành động leo thang, cảnh báo “điều này sẽ kéo Đan Mạch can dự sâu hơn vào xung đột ở Ukraine".

Ông Barbin cảnh báo các lực lượng Đan Mạch tới Ukraine huấn luyện có thể sẽ trở thành mục tiêu của Nga. “Các mục tiêu như cơ sở huấn luyện, địa điểm tập kết quân nhân, vũ khí, kể cả ở tiền tuyến và cách xa tiền tuyến trong lãnh thổ Ukraine, đều là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga”, ông Barbin nói.

Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022. Tháng 2/2024, Đan Mạch đã ký một thỏa thuận an ninh song phương kéo dài 10 năm với Ukraine, cam kết hợp tác quốc phòng lâu dài cho đến khi Ukraine có thể gia nhập NATO.

Nhật Minh - Kyiv Independent

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN