Quốc gia Đông Nam Á chọn "làm bạn với tất cả" trong xung đột Israel - Hamas

Quốc gia Đông Nam Á thể hiện sự kiên định với lập trường về giải pháp 2 nhà nước liên quan đến xung đột ở Gaza.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (giữa) năm 2016 thăm khu nhà thờ al-Aqsa ở Đông Jerusalem, vùng lãnh thổ Israel kiểm soát. Ảnh: AP

Al Jazeera ngày 21/11 đưa tin, kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra ở Dải Gaza, Singapore đã có lập trường không can thiệp, phản ánh chính sách đối ngoại lâu đời của quốc gia Đông Nam Á này - tập trung vào việc "làm bạn với tất cả và không gây thù chuốc oán với ai".

Tại phiên họp quốc hội đặc biệt vào đầu tháng này, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong giải thích: "Sự ủng hộ lâu dài của Singapore với giải pháp 2 nhà nước liên quan đến xung đột ở Gaza vẫn không thay đổi", theo đó, người Palestine có quyền có quê hương, trong khi người Israel có quyền sống trong một khu vực an toàn.

Ông Wong nhấn mạnh, Singapore "luôn có nguyên tắc" xuyên suốt phù hợp với luật pháp quốc tế và ủng hộ hòa bình cũng như an ninh toàn cầu.

Quốc gia Đông Nam Á chỉ trích vụ tấn công hôm 7/10 của Hamas vào miền nam Israel, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị bắt làm con tin.

Nhưng Singapore cũng bày tỏ quan ngại về việc số người chết ngày càng tăng ở Dải Gaza, sau khi Israel mở các chiến dịch tấn công trả đũa Hamas. Bộ Ngoại giao Singapore tuần trước cho biết, Singapore "quan ngại sâu sắc" về tình hình nhân đạo ở Gaza, nơi có hơn 13.000 người thiệt mạng kể từ khi Israel tấn công trả đũa.

Cuối tháng 10, trong phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Singapore nằm trong số 120 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết bảo vệ dân thường và duy trì các nghĩa vụ pháp lý, nhân đạo.

"Cách tiếp cận của Singapore dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là độc lập và chủ quyền của các quốc gia", Eugene Tan, nhà phân tích chính trị và phó giáo sư luật tại Đại học Quản trị Singapore, nói.

Ông Eugene Tan cho rằng "không có mâu thuẫn" trong việc người Singapore đồng cảm với người Palestine, đồng thời thể hiện rõ lập trường rằng không thể biện minh cho mọi cuộc tấn công vào Israel.

"Cùng lúc, Singapore có thể ủng hộ quyền tự vệ của Israel và việc Israel sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích chính đáng. Nhưng nước này cũng yêu cầu phản ứng của Israel phải phù hợp với các quy tắc và quy định của luật pháp quốc tế để đảm bảo an toàn, an ninh và phúc lợi cho người dân. Tóm lại, Singapore tin vào việc người Israel và người Palestine có quyền sống trong hòa bình", ông Eugene Tan nói.

Sau khi độc lập, Singapore nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía Israel và đã mua một số vũ khí từ quốc gia Trung Đông. Ảnh: AP

Tới nay, ở Singapore, chưa có cuộc biểu tình công khai nào ủng hộ người Palestine và người Israel.

Quốc gia Đông Nam Á - với dân số gồm người Hoa (đa số), người dân tộc thiểu số  Mã Lai - Hồi giáo, người dân tộc gốc Ấn - từ lâu đã ưu tiên duy trì gắn kết xã hội và hòa hợp tôn giáo.

Do "sự nhạy cảm ngày càng tăng" quanh xung đột ở Dải Gaza, chính phủ Singapore lập luận rằng các biện pháp phủ đầu mạnh mẽ là cần thiết để quản lý tình hình, viện dẫn các rủi ro với an toàn công cộng và an ninh ở Singapore.

Giới chức Singapore đã từ chối 5 đơn đăng ký sử dụng "Góc Diễn giả" - địa điểm ở trung tâm Singapore, được chính phủ cho phép sử dụng để biểu tình - nhằm tổ chức các sự kiện liên quan đến xung đột Israel - Hamas trong tháng 10, trái ngược so với năm 2014 dù cùng liên quan đến xung đột Israel - Hamas. Singapore cũng cảnh báo việc trưng bày công khai các biểu tượng nước ngoài liên quan đến xung đột và dặn người dân cẩn thận trong việc gây quỹ.

"Tôi cho rằng tình hình hiện tại nhạy cảm và dễ leo thang hơn nhiều so với năm 2014", nhà phân tích chính trị Eugene Tan nói và cho rằng động thái của chính phủ Singapore là thận trọng vì những cuộc biểu tình ẩn chứa nguy cơ "ảnh hưởng đến sự gắn kết và hòa hợp xã hội của Singapore". "Các cuộc biểu tình tạo ra các bài đăng trên mạng xã hội và kích động đám đông nhưng không tác động lớn đến cuộc xung đột", ông Eugene Tan nói.

Tâm Hoa - Al Jazeera

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN