Tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk phóng từ tàu ngầm.
Thông thường, các đơn hàng vũ khí một khi được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt, sẽ sớm được các bên ký kết hợp đồng chính thức. Úc sẽ là quốc gia đồng minh thứ hai của Mỹ sở hữu mẫu tên lửa uy lực này sau Anh, theo CNN.
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), Mỹ sẽ bán 220 tên lửa Tomahawk cùng gói bảo trì, hậu cần đi kèm cho Úc với giá lên tới 895 triệu USD.
Trong khi đó, mức giá mà nhà sản xuất Raytheon bán cho quân đội Mỹ là khoảng 2 triệu USD/quả tên lửa Tomahawk phiên bản Block V.
"Thương vụ sẽ cải thiện năng lực của Úc trong tương tác với các lực lượng hải quân Mỹ và các lực lượng đồng minh khác, đóng góp vào các nhiệm vụ hỗn hợp của đồng minh", tuyên bố của nhà chức trách Mỹ cho biết.
Lần đầu được thực chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tên lửa hành trình Tomahawk đang là vũ khí tầm xa chủ lực của hải quân Mỹ trong các cuộc xung đột quân sự. Điểm nhấn của loại tên lửa này là khả năng bay ở độ cao rất thấp với tốc độ cận âm và vận hành vô cùng linh hoạt.
Tên lửa Tomahawk được phóng từ các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh, cũng như các tàu chiến Mỹ.
Anh là quốc gia đồng minh duy nhất hiện nay được Mỹ tin tưởng cung cấp tên lửa Tomahawk. Nhật Bản gần đây cũng bày tỏ sự quan tâm, muốn mua hàng trăm tên lửa để củng cố năng lực phòng vệ.
Theo CNN, tên lửa Tomahawk có thể được lắp trên các tàu khu trục lớp Hobart của Úc, cũng như tương thích với 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mà Úc mới đặt mua từ Mỹ, theo thỏa thuận đóng tàu ngầm AUKUS.
Trong suốt một thời gian dài, Mỹ chiếm ưu thế hoàn toàn trong công nghệ chế tạo tên lửa hành trình tầm xa. Năm 2015, Nga lần đầu sử dụng tên lửa hành trình Kalibr để tấn công các mục tiêu khủng bố IS ở Syria. Tên lửa Kalibr được đánh giá là có năng lực tương đương Tomahawk của Mỹ.