Theo BGR, nhà địa chất học Benjamin Cardenas của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và cũng là tác giả chính của một dự án nghiên cứu mới đã chia sẻ trong một tuyên bố rằng sao Hỏa rất có thể là một hành tinh của những dòng sông. Nghiên cứu kết luận rằng hành tinh đỏ từng có những điều kiện thích hợp cho sự sống và bề mặt mà chúng ta thấy hiện nay là kết quả của nhiều năm bị xói mòn.
Bài báo mới được xuất bản trên Geophysical Research Letters, nội dung dựa trên một số mô hình kỹ thuật số mô phỏng sự xói mòn trên sao Hỏa. Phần lớn dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu mới được thu thập bởi tàu thám hiểm Curiosity của NASA, được biết con tàu đã khám phá bề mặt của sao Hỏa kể từ năm 2012.
Một khung cảnh trên sao Hỏa mà tàu thám hiểm Curiosity chụp được.
Trong 11 năm qua, Curiosity đã khám phá khá nhiều điều về hành tinh láng giềng của chúng ta. Cùng với tàu thăm dò Perseverance tiếp theo đó, NASA đã thu thập được nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết về nơi này. Một trong những địa điểm hấp dẫn nhất mà Curiosity đã khám phá là các mỏ sông khác nhau mà nó đi qua. Những trầm tích này chứng minh rằng sao Hỏa từng có những điều kiện thích hợp để hỗ trợ sự sống, giống với nước trên Trái Đất.
Với việc NASA đang nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ Mars Sample Return, những nghiên cứu như thế này cho thấy sẽ còn rất nhiều điều cần tìm hiểu về thế giới sao Hỏa. Hơn nữa, cho đến khi nhân loại thực sự đặt chân được lên hành tinh đỏ, những bằng chứng thực tế để có thể nghiên cứu vẫn còn rất hạn chế. Có lẽ các sứ mệnh có người lái tới sao Hỏa trong tương lai có thể giúp nghiên cứu các trầm tích sông này được sâu sát hơn.
Các trầm tích sông trên sao Hỏa.
Dữ liệu mà Curiosity tìm thấy không xảy ra gần đây, đó là sự thay đổi diễn ra trong vài triệu năm khi bề mặt hành tinh bị xói mòn, bầu khí quyển mỏng đi và nước lỏng bốc hơi. Chắc chắn, sao Hỏa có thể đã từng có những điều kiện thích hợp cho sự sống. Nhưng hiện tại, nó đã khác xa so với trước đây và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra cách để đến được đó.