Ông Trump và những sự kiện chấn động gần đây

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài với những tổn thất nghiêm trọng, ông Trump đã đề xuất một chiến lược đàm phán nhằm thay đổi cục diện và được kỳ vọng mở ra một hướng giải quyết cho cuộc xung đột.

Chính quyền của ông Trump đang giữ vị trí trung gian, làm cầu nối giữa Nga và Ukraine, hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Ảnh: ABC News

Không bên nào thua

Trong quá trình vận động tranh cử năm 2024, ông Trump từng tuyên bố ông có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine chỉ trong “24 giờ”, khiến các chuyên gia bình luận bật cười. Tuy nhiên, như ông đã nói trong buổi họp báo cùng Tổng thống Pháp Macron hôm 25/2/2025, ông chính là nhà đàm phán bậc thầy khi "cả đời là các cuộc đàm phán".

Vào giữa tháng 2, ông Trump đã đề xuất một kế hoạch cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky nhằm cùng nhau khai thác khoáng sản (trong đó có đất hiếm) của Ukraine. Dù cuộc đấu khẩu tại Nhà Trắng ngày 28/2 khiến thỏa thuận khoáng sản chưa được ký, đôi bên vẫn để ngỏ khả năng hoàn tất thương vụ này. Đây được cho là bước đầu tiên trong một thỏa thuận lớn hơn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Fox News, ông Trump đã tìm ra cách để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm, mang lại hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho tất cả các bên.

Thỏa thuận trên, nếu được ký, có thể giúp tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Nó sẽ tạo cơ hội cho hàng nghìn kỹ sư, thợ mỏ, công nhân xây dựng và cả những nhân viên ngân hàng người Mỹ có mặt tại khu vực phía đông của Ukraine, qua đó đóng vai trò như một đảm bảo an ninh cho Ukraine. Đây có thể là một thắng lợi cho Kiev.

Thỏa thuận tiềm năng này cũng có thể mở ra cơ hội để Mỹ thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Nga với mục tiêu chia rẽ liên minh chống Mỹ giữa Trung Quốc và Nga. Đây là một thắng lợi cho Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra, nó còn mang đến cho Nga một lối thoát khỏi một cuộc chiến dai dẳng và mở ra khả năng cải thiện quan hệ với Mỹ, bao gồm cả trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Đây cũng sẽ là một thắng lợi cho Moscow.

Kế hoạch của ông Trump có gì?

Không phải ai cũng đồng tình với kế hoạch hòa bình của ông Trump. Ảnh: Getty

Theo Fox News, trước hết, kế hoạch của ông Trump dựa trên việc chấp nhận hiện thực. Bởi vì dù đã nỗ lực hết sức và có ý định tốt nhất, Ukraine đang dần thất thế. Dù quá trình đó chậm rãi, nhưng vẫn là thất thế.

Lời cam kết dưới thời Tổng thống Joe Biden rằng Washington sẽ hỗ trợ Ukraine “cho đến chừng nào cần thiết” và "cho đến chừng nào có thể" là không thực tế. 

Đây chưa bao giờ là một cuộc xung đột mà Ukraine có thể thắng được, Fox News nhận định. Theo đài truyền hình Mỹ này, Ukraine, châu Âu và ông Biden chưa bao giờ có lộ trình chiến thắng, điều tốt nhất họ có thể làm là ngăn chặn Nga giành chiến thắng. Vì vậy, họ đã tiếp tục chiến đấu trong một cuộc xung đột dai dẳng. Fox News cho rằng, kế hoạch của ông Trump hướng đến chấm dứt cuộc xung đột mà không có người chiến thắng hay người thua cuộc rõ ràng.

Thứ hai, kế hoạch của Trump giải quyết sự thất vọng ngày càng tăng của người Mỹ trước "hàng trăm tỷ USD" thiết bị quân sự và viện trợ mà Washington đã cung cấp cho Ukraine, trong đó một phần đáng kể bị cho là thiếu kiểm soát chặt chẽ.

Mỹ có thể thu hồi một phần những viện trợ cho Kiev bằng cách tiếp cận các khoáng sản và những nguồn tài nguyên khác của Ukraine, những thứ Mỹ rất cần nhưng lại không có trong nước.

Thứ ba, kế hoạch của ông Trump buộc các nước châu Âu phải gánh vác nhiều hơn cho công cuộc tự vệ của chính họ. Trong một động thái mang tính bước ngoặt, các lãnh đạo châu Âu đưa ra lời hứa với Nhà Trắng sẽ tăng ngân sách quốc phòng, giúp tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, thậm chí còn cam kết cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình.

Thứ tư, mặc dù Ukraine không thể thắng cuộc xung đột, nhưng nước này có thể chiến thắng trong thời kỳ hòa bình. Thỏa thuận giữa Mỹ và Ukraine nhằm phát triển khai thác các nguồn tài nguyên của Ukraine sẽ thu hút một số lượng lớn kỹ sư, thợ mỏ, kỹ thuật viên và nhân viên ngân hàng người Mỹ làm việc trực tiếp tại Ukraine, đặc biệt là khu vực phía đông, nơi tập trung phần lớn các nguồn tài nguyên.

Sự hiện diện kinh tế của người Mỹ sẽ đóng vai trò như một đảm bảo cho độc lập và an ninh của Ukraine, đồng thời cũng là một sự răn đe với Moscow. Theo Fox News, ông Putin sẽ không mạo hiểm đưa quân tiến vào Kiev khi ở đó còn có hàng nghìn công dân Mỹ.

Ở một số khía cạnh, sự hiện diện kinh tế của Mỹ tại Ukraine còn quan trọng hơn sự hiện diện quân sự, theo Fox News. Mỹ gần đây đã rút quân đột ngột ra khỏi Afghanistan. Trong khi đó, các công ty tư nhân của Mỹ với các dự án và hợp đồng dài hạn sẽ ở lại Ukraine trong thời gian dài.

Theo kế hoạch của ông Trump, sau 5 năm kể từ khi cuộc xung đột chấm dứt, Ukraine có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng, với một nền kinh tế và xã hội hoàn toàn hội nhập với Mỹ và phương Tây.

Cuối cùng, kế hoạch hòa bình của ông Trump mở ra khả năng cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Trong 3 năm xung đột ở Ukraine, Washington đã không có bất kỳ tiếp xúc ngoại giao nào với Moscow.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine của ông Trump.

Theo trang web của tổ chức tư vấn Atlantic Council (Mỹ), các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra lo ngại về kế hoạch của ông Trump. Họ sợ rằng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến một thỏa thuận hòa bình bất lợi cho Ukraine và làm suy yếu an ninh châu Âu. 

Theo Reuters, một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận khoáng sản của ông Trum với Ukraine cũng có nhiều kẽ hở. Các nhà phân tích đó cho rằng, thỏa thuận khoáng sản của ông Trump có thể không mang lại lợi ích như kỳ vọng, do dữ liệu không đầy đủ và thiếu đảm bảo an ninh cho Ukraine. 

Ngoài ra, cung cách thảo luận của ông Trump bị cho là giống giao dịch thương mại, tập trung khai thác Ukraine mà không mang lại lợi ích lâu dài cho Kiev.

Phong cách đàm phán của ông Trump qua 3 sự kiện lớn gần đây

Phong cách đàm phán của ông Trump được cho là sự kết hợp giữa áp lực, thỏa hiệp và yếu tố tâm lý. Ảnh: NY Times

Phong cách đàm phán của Tổng thống Donald Trump được một số chuyên gia nhận xét là quyết đoán, với khả năng điều chỉnh chiến thuật tùy từng đối tác. 

Qua 3 sự kiện chính liên quan đến Ukraine - cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky, đàm phán “phá băng” quan hệ với Nga và điện đàm với Tổng thống Nga Putin - chúng ta có thể thấy cách tiếp cận của ông Trump là kết hợp áp lực, thỏa hiệp và yếu tố tâm lý, dù hiệu quả của nó vẫn gây tranh cãi.

Theo CNN, trong cuộc gặp với ông Zelensky ngày 28/2/2025, ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance áp dụng chiến thuật đối đầu trực tiếp, nhằm tạo áp lực tinh thần cho đối phương. 

Những phát biểu như “Ông đang đánh cược với mạng sống hàng triệu người”, “Ông có nói lời cảm ơn lần nào chưa?”, cùng yêu cầu “take it or leave it” (tạm dịch: Chấp nhận hoặc từ bỏ) về hỗ trợ quân sự và khai thác khoáng sản cho thấy cách Tổng thống Mỹ gây sức ép buộc Ukraine phải nhượng bộ. 

Dù phương pháp này có thể đạt kết quả nhanh, một số chuyên gia cho rằng nó có thể làm tổn hại quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Ukraine.

Khi đối mặt với Nga – một đối thủ chiến lược của Washington – ông Trump chuyển hướng sang chiến thuật “cây gậy và cà rốt”. Ông đe dọa trừng phạt nếu Nga không đình chiến với Ukraine, nhưng đồng thời đề xuất cải thiện quan hệ Washington - Moscow.

Việc ông Trump dọa cắt viện trợ quân sự cho Kiev và sau đó đình chỉ viện trợ quân sự một thời gian ngắn, được cho là nhằm gây áp lực gián tiếp lên Moscow, buộc Nga phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. Tuy nhiên, chiến thuật này của ông Trump bị cho là có thể kém hiệu quả nếu Nga không nhượng bộ hoặc đưa ra yêu cầu cứng rắn hơn như yêu cầu Ukraine ngừng tái vũ trang.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 18/3/2025, ông Trump chọn cách xây dựng đối thoại thông qua ngôn ngữ lạc quan như “chúng tôi sẽ làm việc nhanh chóng để đạt ngừng bắn hoàn toàn”, dẫn đến thỏa thuận tạm ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày. Cách tiếp cận này cho thấy nỗ lực giảm căng thẳng để tạo đà cho đàm phán, dù thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời và chưa giải quyết vấn đề cốt lõi.

Một đặc điểm chung trong các sự kiện này là việc ông Trump sử dụng áp lực tâm lý. Tổng thống Mỹ thường nhấn mạnh tính khẩn cấp như nhắc đến “Thế chiến III”, nhằm thúc đẩy đối phương hành động nhanh. 

Bên cạnh đó, ông tận dụng mạng xã hội để tạo dư luận thông qua các bài đăng chỉ trích Ukraine hoặc đề cao triển vọng hòa bình. Động thái này vừa tác động đến công chúng, vừa gửi thông điệp ngầm đến các bên liên quan.

Tổng thống Mỹ cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ cá nhân. Trong cuộc điện đàm với ông Putin ngày 18/3/2025, ông Trump tạo ra hình ảnh “cùng nhau giải quyết khủng hoảng”, giúp đối phương cảm thấy được tham vấn dù tồn tại khác biệt chính trị. Điều này cho thấy ông Trump kết hợp cả sức mạnh và yếu tố tâm lý để thúc đẩy đàm phán.

Tuy nhiên, phong cách này cũng có thể mang lại hệ lụy. Theo một số chuyên gia, việc đối đầu trực tiếp với Ukraine làm dấy lên lo ngại về sự xói mòn niềm tin giữa Mỹ và đồng minh, đặc biệt khi ông Trump công khai cáo buộc Kiev khởi xướng cuộc xung đột. 

Sự thiếu nhất quán trong chiến thuật - đôi khi cứng rắn, đôi khi mềm dẻo - cũng tạo cơ hội để đối phương có thể lợi dụng, như Nga đã gia tăng yêu cầu với Ukraine sau các lần đàm phán.

Nhìn chung, cách tiếp cận của ông Trump về vấn đề Ukraine phản ánh việc điều chỉnh chiến lược tùy đối tác: Tạo áp lực với Kiev, kết hợp đe dọa và hợp tác với Moscow. Điểm nổi bật nằm ở việc kết hợp áp lực ngắn hạn và yếu tố tâm lý. 

Tuy nhiên, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc tế CFR, hiệu quả lâu dài của chiến thuật này vẫn gây tranh cãi do thiếu tính bền vững trong quan hệ đồng minh, cũng như còn tùy thuộc vào cách ứng phó của một đối phương "già dơ" như Nga.

'Nghệ thuật đàm phán' trong đòn thuế của ông Trump

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trên bục phát biểu và long trọng tuyên bố đó là “Ngày Giải phóng” của nước Mỹ trong thương mại. Với phong cách quen thuộc đầy tự tin, ông Trump tuyên bố áp mức thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu và không có ngoại lệ.

“Chúng ta đang giành lại quyền kiểm soát,” ông Trump nói. “Nước Mỹ là trên hết".

Sau đó, đến ngày 9/4, thuế đối ứng áp dụng với hàng chục đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ được nâng lên, từ mức chung 10% có hiệu lực ngày 2/4. Mức thuế mới là 11-84%.

Với những người chỉ trích, đó là hành động mạo hiểm. Nhưng với những người ủng hộ, đó chính là "cái chất" của ông Trump. Còn với ai từng đọc cuốn The Art of the Deal (tạm dịch: Nghệ thuật đàm phán) của ông Trump thì chuyện này có lẽ không phải là khó đoán.

Theo Business Standard, ông Trump không chỉ đàm phán theo kiểu đôi bên cùng có lợi, mà còn chơi trò tâm lý. Từ bất động sản, chính trị quốc tế cho đến chính sách thuế quan, công thức của ông Trump gần như không thay đổi suốt hàng chục năm: Ra đòn mạnh, tạo hỗn loạn, rồi chờ đối phương xuống nước trước.

Đợt đánh thuế đối ứng rầm rộ mới nhất - đặc biệt là với Trung Quốc - là một minh chứng. Ông Trump viện đến quyền hạn khẩn cấp, vốn được dùng cho thời chiến, để "vượt mặt" quốc hội trong quyết định áp thuế. Cả Phố Wall lẫn Washington đều choáng váng. Hậu quả đến rất nhanh: Thị trường lao dốc, doanh nghiệp đối mặt với kịch bản gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhưng với ông Trump, đôi khi “ngông một chút” lại có lợi. Trong cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán", ông kể có lần doạ kiện một ngân hàng vì “giết người” trong một vụ tịch thu trang trại – và ngân hàng đành chấp nhận xuống nước.

Ngày 9/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố đã có 75 quốc gia/vùng lãnh thổ đàm phán giảm thuế với Mỹ.

"Bạn đã cố nói rằng phần còn lại của thế giới sẽ xích lại gần Trung Quốc hơn, nhưng thực tế chúng ta đã thấy điều ngược lại. Gần như toàn bộ thế giới đang gọi cho Mỹ vì họ cần thị trường của chúng ta, họ cần người tiêu dùng của chúng ta. Và họ cần vị Tổng thống này trong Phòng Bầu dục để nói chuyện với họ", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố ngày 9/4.

Tổng thống Mỹ cho rằng, hiện có thể đạt được thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào trong thời gian tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày.

Theo Business Standard, đến hiện tại, Trump vẫn dùng lại chiến thuật cũ - chỉ khác là mức độ đã được ông nâng lên một tầm hoàn toàn khác. Ông đã đánh thuế lên tới 145% với nhiều mặt hàng Trung Quốc.

Nhà Trắng khẳng định đây là cách để bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Nhưng phía sau, đây được cho là cách để Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Ông Trump vẫn tự tin có thể đạt một thỏa thuận với Trung Quốc. Bắc Kinh dù tung đòn thuế đáp trả Washington nhưng cũng để ngỏ khả năng đàm phán.

Theo Business Standard, thông qua các đòn thuế, Trump đã đạt được điều ông muốn, đó là quyền lực và sự chú ý. Ngay lập tức, các nhà ngoại giao nước ngoài, giám đốc điều hành và cả quốc hội Mỹ đều phải dè chừng mỗi bước đi tiếp theo của ông.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích quốc tế cho rằng đòn thuế của ông Trump là lợi bất cập hại. Họ lập luận, việc áp thuế cực cao lên hàng nhập khẩu - đặc biệt là đối với hàng công nghệ - đã gây ra sự bất ổn, làm giảm lòng tin của đối tác thương mại và tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.

Theo một số bài phân tích của Bloomberg, Trung Quốc đã bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và đây được xem là một chiến lược trả đũa của Bắc Kinh. 

Theo Bloomberg, động thái này đã tạo ra căng thẳng trên thị trường tài chính Mỹ. Thậm chí, có ý kiến lo ngại rằng nếu xu hướng bán tháo tiếp tục, có thể dẫn đến sự sụp đổ của một phần thị trường vốn, từ đó kéo theo nguy cơ khủng hoảng. 

Hãng Reuters dẫn lời một số nhà phân tích nhấn mạnh, đây là hệ quả tiêu cực của cuộc chiến áp thuế, khi các nước đáp trả bằng những biện pháp có thể làm lung lay nền kinh tế Mỹ. 

Sau đó, ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng với 75 quốc gia trong 90 ngày, và tiếp đó là hoãn áp thuế với các sản phẩm công nghệ để chuyển sang một loại thuế khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là một bước lùi, không phải là giải pháp khắc phục, đồng thời thể hiện một chiến lược thiếu nhất quán trong bối cảnh xung đột thương mại đang leo thang.

Tâm Hoa - Tổng hợp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN