Ông Trump gắn đảo Greenland với “lợi ích an ninh quốc gia lâu dài của Mỹ” (ảnh: Reuters)
Trong tuần này, ông Trump – người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 – đã không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế để kiểm soát kênh đào Panama (thuộc chủ quyền của Panama) và đảo Greenland (nằm gần Bắc Cực, thuộc chủ quyền của Đan Mạch).
Theo Reuters, mở rộng lãnh thổ Mỹ là chương trình nghị sự quan trọng mà chính quyền ông Trump sẽ theo đuổi sau lễ nhậm chức ngày 20/1.
Hôm 9/1, khi được hỏi về các tuyên bố của ông Trump liên quan đến đảo Greenland và sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
“Trên thực tế, những tuyên bố như vậy là một phần trong quan hệ song phương giữa Mỹ với Đan Mạch và một số quốc gia khác”, ông Peskov nói trong cuộc phỏng vấn của TASS.
“Bắc Cực là khu vực mà Nga có lợi ích quốc gia, lợi ích chiến lược. Chúng tôi quan tâm đến việc duy trì hòa bình và ổn định ở Bắc Cực”, ông Peskov nói.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Nhưng hiện tại, tạ ơn Chúa, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố”, ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, việc mua lại Greenland là vấn đề của Mỹ – Đan Mạch, và châu Âu cho đến nay chỉ phản ứng một cách dè dặt trước những tuyên bố của ông Trump.
“Châu Âu đang phản ứng rất yếu ớt và tất nhiên là họ e dè trước những tuyên bố của ông Trump”, ông Peskov nói.
Về vấn đề ông Trump muốn mua lại kênh đào Panama (kênh đào do Mỹ xây dựng và kiểm soát trước khi trao cho Panama năm 1999), ông Peskov cho biết, phía Nga đã nắm được thông tin này nhưng Mỹ – Panama nên tự giải quyết với nhau.
Trước đó, hôm 8/1, Pháp đã cảnh báo ông Trump về những lời lẽ “đe dọa chủ quyền của” Liên minh châu Âu (EU) khi Tổng thống Mỹ đắc cử để ngỏ khả năng dùng vũ lực để kiểm soát đảo Greenland.
“Không có chuyện EU để cho các quốc gia khác trên thế giới tấn công biên giới có chủ quyền của mình, bất kể họ là ai. Chúng ta là châu lục hùng cường và chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa”, Ngoại trưởng Pháp Jean Noel Barrot nói.
Hôm 9/1, tờ Berlingske (báo Đan Mạch) dẫn bình luận của Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin cho hay, “tương lai của Greenland nên được xác định dựa trên nguyện vọng của chính người dân Greenland và trong khuôn khổ luật pháp Đan Mạch”.
Theo ông Barbin, Nga có thể phản ứng nếu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Greenland.
“Những nỗ lực bảo đảm an ninh Mỹ bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của nước khác có thể khiến tình hình ở Bắc Cực xấu đi. Đây là điều mà chúng tôi sẽ tính đến khi lập các kế hoạch quân sự”, ông Barbin nói.