Câu chuyện của một người mẹ ở Trung Quốc
Có một người mẹ giấu tên ở Trung Quốc chia sẻ những dòng tâm sự dưới đây, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
“Danh sách trúng tuyển vào trường mầm non đã được công bố, con gái tôi sắp trở thành một cô bé mầm non rồi. Khi chuẩn bị hồ sơ nhập học cho con, tôi thấy các mẹ trong nhóm chat đều rất lo lắng, sợ không chọn được trường mầm non tốt. Tôi cũng chứng kiến cuộc chiến vào lớp 1 bắt đầu từ khi còn bé.
Có người vì muốn con vào được trường mầm non tốt ở trung tâm thành phố mà chuyển nhà trước 1 năm.
Có người không tiếc tiền đầu tư hàng chục triệu để cho con học trường tư thục song ngữ cao cấp.
Thôi thì nhà mình sống thoải mái vậy, cũng không có điều kiện kinh tế mạnh để mà tham gia vào cuộc chiến này, cứ cho bé vào trường công bình thường là được rồi. Hơn nữa, tôi rất đồng tình với một quan điểm:
Mỗi đứa trẻ trong đời đều trải qua 3 loại giáo dục: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.
Giáo dục gia đình không chỉ là nền tảng mà còn là hình thức giáo dục chủ đạo, nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ, là điều mà bất kỳ hình thức giáo dục nào ở trường học hay xã hội cũng không thể thay thế được.
Con người sẽ trở thành người như thế nào, sẽ sống cuộc sống như thế nào, cuối cùng đều phụ thuộc vào giáo dục gia đình, chứ không liên quan nhiều đến việc có nhiều tiền hay ít tiền”.
Trẻ em xuất thân từ 6 kiểu gia đình dưới đây, khi lớn lên chắc chắn sẽ không thua kém bạn bè đồng trang lứa.
Ảnh minh hoạ.
1. Gia đình biết khích lệ con cái
Có thể nói đây là gia đình mang tính hỗ trợ. Mỗi người đều khao khát được người khác công nhận và khích lệ, đặc biệt là trẻ con cần được cha mẹ khen ngợi.
Dù con gặp khó khăn trong học tập hay trong cuộc sống, cha mẹ luôn là người đầu tiên động viên và ủng hộ con. Tình yêu vô điều kiện này là hậu phương vững chắc nhất của con, giúp con cảm thấy ấm áp, nuôi dưỡng lòng can đảm và sự tự tin để đối mặt với thử thách.
2. Gia đình có truyền thống đọc sách
Nếu bạn muốn con mình thích đọc sách, bạn không cần phải nói gì, chỉ cần cầm một cuốn sách lên đọc, con cái cũng sẽ bỏ đồ chơi xuống và cầm sách lên đọc theo. Đó chính là sự bắt chước và học hỏi. Trẻ con rất giỏi làm điều này.
Trong một gia đình có truyền thống đọc sách, chắc chắn sẽ có một tủ sách đa dạng, cả gia đình thường xuyên quây quần bên nhau để cùng nhau thảo luận về những kiến thức, những cảm nhận mới xoay quanh các cuốn sách.
Trong môi trường như vậy, trẻ tự nhiên hình thành niềm yêu thích tìm tòi kiến thức, học cách suy nghĩ độc lập và hình thành thói quen đọc sách suốt đời.
3. Gia đình giao tiếp cởi mở
Đặc điểm nổi bật của gia đình giao tiếp cởi mở là cha mẹ sẽ đặt ra những quy tắc và kỳ vọng rõ ràng cho con, để con biết hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không được chấp nhận. Đồng thời, con cũng có thể tự do bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cha mẹ luôn kiên nhẫn lắng nghe và phản hồi tích cực.
Trong một môi trường gia đình ấm áp, có những quy tắc nhất định, trẻ sẽ phát triển những phẩm chất tốt đẹp như trách nhiệm, tôn trọng và trung thực.
4. Gia đình có trách nhiệm
Trách nhiệm là giá trị cốt lõi của gia đình này. Cha mẹ giáo dục con bằng hành động của mình, cho dù là làm việc nhà hay giúp đỡ người khác, đều để con hiểu rằng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Đối với những việc con có thể tự làm, cha mẹ sẽ không bao bọc mà để con tự đối mặt. Cách giáo dục này giúp trẻ hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ, đồng thời cũng giúp trẻ trở nên tự lập hơn.
5. Gia đình có cảm xúc ổn định
Một gia đình có cảm xúc ổn định sẽ cung cấp cho con một môi trường sống hoà thuận. Cha mẹ hiểu nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Đối với trẻ, điều chúng nhìn thấy là sự gắn kết giữa cha mẹ và thái độ tích cực của cha mẹ khi đối mặt với khó khăn.
Trong một gia đình như vậy, trẻ có thể học được cách quản lý cảm xúc của mình, giữ bình tĩnh dưới áp lực và đối mặt với khó khăn bằng một thái độ lạc quan. Điều này đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công trong tương lai của trẻ.
6. Gia đình có quan điểm giáo dục nhất quán
Có một câu nói rằng, những người có chung quan điểm mới có thể ở bên nhau lâu dài và thoải mái. Đối với một gia đình, nếu cha mẹ có chung quan điểm về giáo dục, con cái sẽ cảm thấy thoải mái và học tập hiệu quả hơn.
Nếu cha mẹ không thống nhất quan điểm về giáo dục, luôn cãi nhau trước mặt con, dù xuất phát điểm của cả hai đều tốt nhưng con sẽ rất bối rối không biết nên nghe ai.
Ngược lại, nếu cha mẹ hiểu và tôn trọng quan điểm của nhau về giáo dục, giảm thiểu hiểu lầm và mâu thuẫn, không khí gia đình hòa hợp sẽ giúp trẻ học tập và trưởng thành tốt hơn.
Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow nói rằng: “Một tuổi thơ bình yên là món quà tốt nhất mà một người có thể tự trao cho mình”. Một môi trường gia đình ấm ám, hoà thuận chính là một phần quan trọng của món quà này. Nó giống như ánh nắng mặt trời và mưa xuân nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ.
Trong một môi trường như vậy, trẻ có thể cảm nhận được tình yêu, sự an toàn và cảm giác nơi mình thuộc về, điều này có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm lý và khả năng thích nghi xã hội của trẻ.