Người dân đang mang bao nhiêu tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng?

Dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm thời gian gần đây, lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn tăng mạnh trong những tháng đầu năm.

Sau khi lập đỉnh vào giữa tháng 1 với lãi suất tiết kiệm ngân hàng được niêm yết tiệm cận mốc 11%/năm, lãi suất tiết kiệm ngân hàng đã liên tục giảm từ đầu tháng 2/2023 đến nay.

Đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh.

Theo khảo sát, phần lớn ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm - mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay chỉ còn 9,3%/năm được ngân hàng OCB niêm yết ở kỳ hạn 13 và 36 tháng trên kênh online. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,7% ở tất cả kỳ hạn.

Tuy nhiên, trước khi lãi tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh, người dân cả nước đã mang lượng tiền lớn gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi. Cụ thể, theo số liệu mới nhất của NHNN, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314 nghìn tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.

Lượng tiền người dân mang gửi tiết kiệm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 1/2023, lượng tiền gửi tiết kiệm của nhóm khách hàng dân cư là 6,04 triệu tỷ đồng, tăng hơn 177.300 tỷ đồng so với thời điểm tháng 12/2022. Tương đương, mỗi ngày trong tháng 1/2023, người dân cả nước mang hơn 5.700 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng mỗi ngày.

Trong tháng 2/2023, người dân cả nước tiếp tục mang hơn 136.900 tỷ đồng mang gửi tiết kiệm ngân hàng. Tương đương, mỗi ngày có hơn 4.890 tỷ đồng được người dân cả nước mang gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi.

Trái ngược với đà tăng mạnh của tiền gửi tiết kiệm khu vực dân cư, tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (-5,68%) trong 2 tháng đầu năm, xuống còn 5,61 triệu tỷ.

Theo báo cáo mới được Chứng khoán VnDirect công bố, tiền gửi từ cá nhân có sự phục hồi do môi trường lãi suất cao đã tiếp tục thu hút khách hàng cá nhân. Ngược lại, tiền gửi của các các tổ chức kinh tế tiếp tục suy giảm do nhiều doanh nghiệp thu hẹp tỷ lệ đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lãi suất cho vay duy trì ở mức cao, nhà đầu tư đáo hạn trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ảm đạm.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN