Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto.
Phát biểu tại một sự kiện ở Budapest hôm 13/5, ông Szijjarto nói về cuộc xung đột ở Ukraine, về những hệ quả tiêu cực mà cuộc xung đột này tạo ra đối với Hungary trong hơn 2 năm qua, theo báo Hungary Magyar Nemzet.
Ông Szijjarto nói triển vọng kết thúc xung đột hiện tại ở mức thấp là vì hầu hết các lãnh đạo châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi "tâm lý chiến tranh", nghĩa là họ cảm thấy cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc xung đột của châu Âu và bảo vệ Ukraine là bảo vệ các giá trị của châu Âu. "Thực tế không hề như vậy", ông Szijjarto nói.
"Ukraine không đại diện cho châu Âu hay NATO trong xung đột với Nga, không ai tấn công châu Âu cả, không ai đe dọa NATO", ông Szijjartonhấn mạnh. Quan điểm này tương tự như những tuyên bố của Nga, rằng Moscow không có ý định tấn công NATO.
Ông Szijjarto cảnh báo phương Tây đang ngày càng leo thang căng thẳng ở Ukraine bằng cách đẩy mạnh cung cấp vũ khí, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Nói về nguy cơ xảy ra Thế chiến 3 do NATO xung đột trực tiếp với Nga, ông Szijjarto nói không chỉ Nga đưa ra cảnh báo về vũ khí hạt nhân mà các lãnh đạo châu Âu cũng nói như vậy.
Nhưng tình hình có thể thay đổi, xung đột có thể chấm dứt nhờ vào hai cơ hội trong năm nay, Ngoại trưởng Hungary nói.
Thứ nhất, tình hình có thể thay đổi nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái xuất ở Nhà Trắng. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ "chấm dứt xung đột ở Ukraine trong 24 giờ" nếu tái đắc cử.
Thứ hai là trường hợp phe cánh hữu chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử vào ngày 9/6 tới. Một nghiên cứu từ Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (ECFR) cho thấy, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay có thể chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ với các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy giành lợi thế trên khắp EU.
Khi đó, EU có thể đưa ra các quyết sách mang tính có lợi cho khối nhiều hơn và dẫn đến sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Hungary là quốc gia thành viên NATO và EU hiếm hoi đến nay vẫn duy trì lập trường trung lập trong xung đột ở Ukraine.