Một vụ phóng tên lửa ATACMS của Mỹ trong cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc vào năm 2022.
Trong thông điệp ngày 21/12, ông Saldo nói tên lửa đạn đạo ATACMS do Ukraine phóng bị đánh chặn trên biển Azov. Mục tiêu của tên lửa là cây cầu Crimea dài 19km, kết nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
"Lực lượng phòng không Nga đã hành động nhanh nhạy và chính xác", ông Saldo nói. Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận.
Cầu Crimea đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine. Kiev cho rằng, cây cầu được Nga sử dụng để chở các thiết bị và vũ khí nhằm hỗ trợ lực lượng Nga đóng quân ở bán đảo Crimea. Nga khẳng định cây cầu chỉ được sử dụng cho mục đích dân sự.
Đây không phải lần đầu Nga tuyên bố đánh chặn tên lửa ATACMS. Trong cuộc họp báo ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội đã đánh chặn hai tên lửa ATACMS trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hôm 17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Kiev đã nhận tên lửa ATACMS từ Mỹ. Phiên bản tên lửa ATACMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine sử dụng đạn chùm với 950 quả đạn con, tầm bắn 165km.
Đầu đạn chùm không phù hợp để tấn công các mục tiêu kiên cố như cầu Crimea, nhưng có thể gây hư hại và làm gián đoạn hoạt động giao thông trên cầu.
Đầu tháng 12, Kiev đã gửi yêu cầu mới đến Washington, đề nghị cung cấp các vũ khí mạnh mẽ hơn như tên lửa ATACMS tầm bắn 300km và hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ukraine cũng muốn Mỹ đẩy nhanh cung cấp chiến đấu cơ F-16 và đạn pháo cỡ 155mm.