Một cổ phiếu ngành công nghệ từng tăng 234% bị vào diện hạn chế giao dịch

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố quyết định về việc đưa cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/10.

Theo quyết định, lý do bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là do VNZ chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

Theo đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/10

Đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch. Trước đó, cổ phiếu này cũng đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25-5 do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán. Chỉ sau 10 ngày, VNZ đã thoát diện hạn chế giao dịch vì đã nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022.

Theo BCTC tự lập, luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 4.098 tỷ doanh thu - tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái. Khấu trừ chi phí, VNG lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng sau 6 tháng, cải thiện đáng kể với khoản lỗ gần 510 tỷ đồng cùng kỳ. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 60 tỷ.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu VNZ đã tăng 234%. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNZ cũng từng là tâm điểm chú ý khi liên tiếp tăng trần hồi mới lên sàn UPCoM đầu năm nay. Sau chuỗi tăng nóng và có thời điểm lập đỉnh hơn 1.400.000 đồng/cp, thị giá VNZ bắt đầu chuỗi giảm giá. Hiện cổ phiếu này có giá 802.000 đồng/cổ phiếu, song vẫn là cái tên đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 24/10/2023, VN-Index tăng điểm khá ấn tượng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch từ đầu tháng 10/2023 cho đến nay hầu hết vẫn nằm dưới mức trung bình 20 ngày cho thấy nhà đầu tư giao dịch với tâm lý thận trọng.

Các công ty chứng khoán tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng thị trường trong phiên kế tiếp, tuy nhiên vẫn khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trong bối cảnh xu hướng chính vẫn chưa được xác nhận.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số VN-Index có thể sẽ bước vào nhịp hồi ngắn hạn. Bên cạnh đó, sau nhịp giảm mạnh, chỉ số chính sẽ có xu hướng bật nảy để bám sát lại đường trung bình động MA20. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ giải ngân lướt sóng với tỷ trọng từ 10 – 20% đối với những mã cổ phiếu đang khả dụng trong tài khoản.

Tương tự, Chứng khoán Vietinbank (CTS) cho rằng, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng nắm giữ hiện tại lên 50% cổ phiếu và 50% tiền mặt với kỳ vọng chỉ số hồi phục về lại được vùng 1.157 – 1.163 điểm. Ngoài ra, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trong bối cảnh dư địa điều chỉnh trung hạn vẫn đang duy trì cùng với sự tham gia yếu của dòng tiền có thể khiến áp lực điều chỉnh sớm gia tăng trở lại.

Quỳnh Chi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN