Hiện trường vụ tàu container có tải trọng 105.000 tấn đâm sập cầu ở Mỹ.
Hôm 27/3, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ Jennifer Homendy cho biết, ủy ban đã xác định 56 container chứa các chất độc hại trên tàu hàng Dali thuộc sở hữu của Singaspore, theo Daily Mail.
Các chuyên gia và nhà điều tra của ủy ban xác định tổng cộng "764 tấn vật liệu độc hại", gồm chất ăn mòn, pin lithium ion và chất dễ cháy. Một số container trong số này đã "bị thủng", dẫn đến rò rỉ các vật liệu độc hại ra môi trường và điều này có thể quan sát bằng mắt thường, bà Homendy cho biết.
Số lượng chính xác container bị rò rỉ sẽ được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) công bố trong báo cáo sơ bộ. Báo cáo dự kiến được công bố trong 2 - 4 tuần tới.
Con tàu sẽ còn bị mắc kẹt cho đến khi nhà chức trách Mỹ thu dọn xong các đống đổ nát.
"Chúng tôi đang tập trung thu thập bằng chứng, xác minh các vật liệu độc hại đã không còn trên tàu sau khi dọn dẹp hiện trường", bà Homendy nói, cho biết cơ quan sẽ không đưa ra bất kỳ kết luận hay phân tích nào khi các chuyên gia vẫn đang thu thập bằng chứng.
Trong cuộc họp báo tối ngày 27/3, bà Homendy nói khung cảnh hiện trường vụ sập một phần cầu Francis Scott Key là "rất thảm khốc". "Không chỉ các container hàng hóa rơi xuống biển mà còn có 3 nhịp cầu đã biến mất gần như hoàn toàn. Cảnh tượng hủy hoại rất thảm khốc", bà Homendy nói.
Sự cố đã khiến 6 người được cho là thiệt mạng và một người bị thương.
Các nhà điều tra của NTSB đã thẩm vấn thuyền trưởng, thuyền phó, kỹ sư trưởng và một thợ máy trên tàu hàng. Trong thời gian tới, NTSB sẽ tiếp tục thẩm vấn những người có liên quan.
Trước đó, các nhà điều tra Mỹ xác định tàu mất động cơ đột ngột sau khi rời cảng và va chạm một cách không kiểm soát với cây cầu.
Các thủy thủ trên tàu hàng nhiều khả năng sẽ bị giữ lại trên tàu cho đến khi cơ quan chức năng Mỹ hoàn tất điều tra. Tàu hàng của Singapore được cho là chở theo khoảng 22 thủy thủ người Ấn Độ. Không ai bị thương nặng sau vụ tai nạn.
Hiện tại, tàu hàng vẫn ở nguyên tại hiện trường cho đến khi nhà chức trách Mỹ thu dọn xong các đống đổ nát. Chính phủ Mỹ khẳng định sẽ chi tiền để xây cầu mới. Hiện tại, toàn bộ hoạt động của cảng Baltimore đã bị đình trệ. Đây là một trong những trung tâm giao thương quan trọng nhất ở Bắc Mỹ.
Nhà chức trách Mỹ bước đầu loại trừ khả năng sự cố xảy ra do cố ý hoặc do khủng bố vì có dấu hiệu cho thấy tàu hàng bị mất động cơ đột ngột sau khi vừa rời cảng.