Một báo cáo mới đây cho thấy thị trường smartphone cũ trong năm 2022 chứng kiến mức tăng 5% trên phạm vi toàn cầu, trong đó iPhone cũ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước đó và chiếm hơn 49%. Có thể gọi iPhone là thương hiệu phát triển nhanh nhất trên thị trường đồ cũ trên toàn cầu.
Counterpoint ca ngợi Apple là “người đóng góp chính” cho sự tăng trưởng của thị trường điện thoại di động cũ, trong khi điện thoại Android hoạt động kém hơn. Samsung chiếm lĩnh thị trường điện thoại Android cũ với con số 26%, giảm từ 28% trong năm 2021. Tỷ lệ người dùng chuyển từ Android sang iPhone vào năm ngoái ít nhiều đã ảnh hưởng đến doanh số điện thoại cũ của Samsung.
Việc iPhone cũ được sự quan tâm của người mua bắt nguồn từ lợi thế về việc bảo quản giá trị tốt và dễ sử dụng (hệ thống mượt mà,…) khi so sánh với điện thoại Android cũ. Sức hấp dẫn này được thể hiện một cách rõ rệt tại các cửa hàng ở Trung Quốc, nơi một quản lý cửa hàng địa phương thừa nhận điện thoại di động cũ mang đến lợi nhuận ổn định mà không bị lỗ.
Theo tiết lộ từ người này, tại cửa hàng của họ, lợi nhuận bán lại từ việc bán iPhone cũ cao hơn so với iPhone mới và điện thoại Android mới. Nguyên nhân bắt nguồn từ sức mua của người tiêu dùng đối với iPhone cũ cao hơn, trong khi các sản phẩm mới phải được điều chỉnh giá để tăng sức cạnh tranh, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn.
Giới phân tích cho rằng, một trong những lý do khiến điện thoại Android kém hấp dẫn bắt nguồn từ việc có quá nhiều nhà sản xuất. Thêm vào đó, một nhược điểm ở Android là hạn chế về khả năng cập nhật. Về cơ bản, phần mềm của Android không tốt ngay cả khi chúng đi kèm các phần cứng hiện đại.