Trong bối cảnh thị trường việc làm đang có nhiều biến động như hiện nay, cùng sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tình trạng thất nghiệp theo đó cũng tăng lên như một hệ quả tất yếu. Một khi nền kinh tế đi xuống, mức độ cạnh tranh cao trên thị trường sẽ khiến công cuộc tìm việc khó khăn hơn nhiều. Vậy làm thế nào để tiết kiệm chi tiêu nếu chẳng may rơi vào tình cảnh thất nghiệp?
Chị Phan Hồng Nhung (Hà Tĩnh) từng có nhiều năm làm việc ở Hà Nội chia sẻ, sau khi nghỉ Tết nguyên đán 2023, chị được Công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động do công ty gặp khó khăn, phải cơ cấu lại hoạt động bằng việc cắt giảm nhân sự.
Chị Nhung đã về quê để kiếm việc ở TP. Vinh và Hà Tĩnh nhưng mấy tháng nay vẫn chưa có việc mới, trong khi số tiền tiết kiệm được sau 3 năm làm việc ở Hà Nội chỉ khoảng 40 triệu đồng. Chị đã phải cắt giảm nhiều chi phí cá nhân để duy trì số dư tài khoản.
“Cắt giảm chi tiêu là thượng sách một khi bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng thất nghiệp. Tôi đã liệt kê tất cả các thứ không quan trọng gây lãng phí. Ví dụ: mua sắm, xem phim hoặc ăn vặt, đi du lịch… Số tiền tiết kiệm được từ những thứ này cũng sẽ giúp tôi mua được những thứ cần thiết hơn để duy trì cuộc sống trong quá trình tìm kiếm việc làm”, chị Nhung nói.
Bài toán cắt giảm chi tiêu khi thất nghiệp khiến nhiều người đau đầu
Trong khi đó, anh Phan Quang Hoàn (Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết, công ty nh thông báo dừng hoạt động nên anh trở thành thất nghiệp. Do anh Hoàn có công việc chuyên môn hơi đặc thù nên rất khó tìm việc ở đây, trong khi số dư tài khoản không nhiều, anh đành phải cắt giảm nhiều chi phí sinh hoạt để có tiền duy trì trong thời gian chờ công việc mới.
Anh Hoàn cho biết, số dư tài khoản cũng đủ để duy trì được khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, anh phải thực hiện tiết kiệm ngay từ khi thất nghiệp để đảm bảo tài chính cá nhân cho mình.
“Sau khi bị ngừng công việc đang làm, tôi đã chuyển nhà trọ đến một khu vực xa trung tâm để tiết kiệm chi phí hơn, không mua sắm quần áo và một số thứ không cần thiết nhằm tránh phát sinh các khoản chi không đáng có”, anh Hoàn nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Quỳnh, một nhân viên Marketing chuyên về bất động sản ở TP.HCM, thôi việc từ đầu tháng 2 năm nay, nhưng đến nay sau hơn 2 tháng vẫn chưa tìm được công việc mới.
Quỳnh tốt nghiệp và làm việc được 2 năm, số dư tài khoản không đáng là bao do cuộc sống ở thành phố đắt đỏ. Sau khi thất nghiệp, Quỳnh đã chuyển trọ sang khu vực Gò Vấp ở chung với một người bạn để tiết kiệm chi phí. Theo đó, thời gian này Quỳnh chỉ mua những đồ dùng thiết yếu phục vụ ăn uống là chủ yếu, chứ không mua sắm những thứ không cần thiết như quần áo, đồ dùng cá nhân khác.
“Khi nghỉ việc tài khoản của tôi còn lại trên 35 triệu sau hơn 2 tháng thất nghiệp. Tôi đã cố gắng tiết kiệm nên vẫn có thể duy trì được khoảng thêm 2 tháng nữa”, Quỳnh chia sẻ.
Thời gian này Quỳnh chỉ ở nhà gửi CV đến các đơn vị tuyển dụng, liên hệ với bạn bè để nhờ giới thiệu công việc, hy vọng sớm có việc làm để tiếp tục bám trụ lại TP.HCM.
Theo Quỳnh, khi rơi vào cảnh thất nghiệp, nếu như không có khoản tích lũy dự phòng chắc chắn sẽ rất khó sống ở thành phố lớn.
“Sau khi thất nghiệp tôi đã bỏ luôn bữa ăn sáng, buổi trưa và chiều thì mua các nguyên liệu từ chợ để nấu ăn nhằm tiết kiệm hơn, những khoản chi để làm đẹp như kem chống nắng, xịt khoáng da, kem dưỡng ẩm tôi cũng cắt giảm toàn bộ”, Quỳnh chia sẻ.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm.
Theo các chuyên gia, tình trạng thất nghiệp rất dễ dẫn đến căng thẳng, suy sụp bởi nhiều người chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả dẫn tới không có khoản tiết kiệm dự phòng khi rủi ro hoặc biến cố xảy ra.
Về vấn đề này, chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh cho rằng thói quen làm bao nhiêu xài bấy nhiêu cùng tâm lý cậy nhờ con cháu khi về già khiến không ít người chưa có kế hoạch tài chính đủ tốt. Điều này dẫn tới những rủi ro, khiến bản thân trở thành gánh nặng khi không thể lao động.
Ông nêu dẫn chứng, theo kết quả khảo sát của Backbase, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền ở Việt Nam cao nhất trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Chánh cho rằng, các bạn trẻ cần lập bảng báo cáo thu nhập và chi tiêu, cụ thể là việc thống kê chi tiết các nguồn thu - chi hằng tháng, tìm ra những chi tiêu bất hợp lý có thể cắt giảm ngay lập tức, những chi tiêu chưa quan trọng, chưa cần thiết cần phải được giảm thiểu.