Cô gái 26 tuổi vừa giỏi kiếm tiền, vừa giỏi tiết kiệm
Mới đây, trong một cộng đồng trao đổi kinh nghiệm kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô gái 26 tuổi chia sẻ quá trình tiết kiệm được 1,1 cây vàng và 30 triệu tiền mặt khiến nhiều người nể phục.
Theo đó, cô gái năm nay 26 tuổi, chưa lập gia đình, thu nhập 25-40 triệu đồng/tháng. Công việc liên quan đến marketing, truyền thông, chạy ADS.
Các khoản chi tiêu hàng tháng được cô liệt kê như sau: Tiền nhà, điện, nước 2,5 – 3 triệu; mua sắm cá nhân 2 triệu; ăn sáng, ăn trưa, thực phẩm bổ sung 2 triệu; cà phê, ăn uống cùng bạn bè 300-500 nghìn; xăng xe 400 nghìn; điện thoại 180 nghìn; đám cưới 1 triệu; giữ lại trong thẻ 3-4 triệu.
Như vậy, nếu không tính khoản tiền giữ lại trong tài khoản thì hàng tháng cô gái chỉ tiêu khoảng 8 triệu đồng cho các nhu cầu cơ bản, còn lại 17-31 triệu cô để dành và mua vàng.
Mỗi tháng cô gái chỉ tiêu khoảng 8-9 triệu đồng cho các nhu cầu cơ bản.
Theo chia sẻ của cô, trước kia đi làm cô cũng có dư ra nhưng hầu như không giữ lại nhiều mà biếu tặng bố mẹ hết. Nhưng dần dần cô gái cũng nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn và tích cóp lại lo cho tương lai. “Hiện năm nay em mới bắt đầu tiết kiệm được 1,1 cây vàng, 30 triệu tiền mặt”, cô gái cho biết và hỏi ý kiến mọi người xem có nên đầu tư thêm kênh khác không.
Làm sao để thoát khỏi “lạm phát lối sống”
Nhiều bình luận bày tỏ sự cảm phục năng lực kiếm tiền và tư duy tiết kiệm của cô gái: “Bạn này còn trẻ mà tỉ lệ tiết kiệm cao quá, giỏi quá”, “Bạn giỏi thật sự. Mình bằng tuổi, cùng thu nhập mà cuối năm rồi mình còn đúng cái nịt”.
Bên cạnh đó, một số người cho ý kiến cô gái nên đổi kênh tiết kiệm, thay vì dồn hết tiền vào vàng. Giá vàng hiện giờ còn đang ở đỉnh, cô gái có thể xem xét chuyển sang sổ tiết kiệm dài hạn. Đồng thời nên đặt mục tiêu là khoản tiết kiệm đó sẽ dùng cho việc gì, ví dụ như mua đất, mua nhà hay mua xe, thì mục tiêu sẽ nhanh chạm tới hơn.
Trong thực tế có không ít người lương cao nhưng không tiết kiệm nổi vì "lạm phát lối sống", nghĩa là thu nhập càng tăng thì nhu cầu về mức sống và chi tiêu cũng tăng lên, tỷ lệ tiết kiệm không thay đổi. Ngược lại, có những bạn trẻ có mức lương ổn nhưng vẫn luôn tiết kiệm khiến nhiều người nể phục, ví dụ như cô gái 26 tuổi nêu trên.
Nhìn vào cách quản lý tài chính của cô gái, nhiều người nhận xét cô không chỉ chi tiêu tiết kiệm mà đáng nể hơn là chăm chỉ ghi chép từng khoản thu chi, từ đó kiểm soát tốt dòng tiền ra - vào trong ví.
Có nhiều cách để tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý “mình xứng đáng mà” khi có mức thu nhập cao như lập ngân sách cho các khoản chi tiêu và tiết kiệm có kỷ luật.
Một trong những cách hiệu quả giúp kiểm soát tài chính tốt hơn là chăm chỉ ghi chép thu chi hàng tháng. Việc làm này tuy đơn giản nhưng lại rất hữu ích vì nó giúp kiểm soát và đánh giá chi tiêu hàng tháng được tốt hơn.
Theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thu Giang, ghi chép lại chi tiêu là cách giúp mỗi người trung thực với sức khỏe tài chính của mình. Việc ghi chép, phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn sẽ giúp chúng ta tránh cái bẫy, rút ngắn thời gian nếu như mục đích là tự do tài chính, hoặc một mốc nào đó về tổng tài sản có gắn với thực tế chi tiêu.
Ghi chép thu chi, bạn sẽ có cho mình một báo cáo xem đã chi tiêu những gì. Đó là nhu cầu hay là mong muốn để đánh giá khoản chi đó chất lượng hay không, đã hợp lý chưa. Sau ít nhất 1 tháng ghi lại thì bạn có thể lập kế hoạch chi tiêu, đặt hạn mức cho từng khoản, cải thiện, điều chỉnh những mục mà bạn thấy mình làm chưa tốt.