LVMH đánh mất vị thế dẫn đầu
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, LVMH đã mất ngôi đầu trong ngành hàng xa xỉ toàn cầu về vốn hóa thị trường, nhường lại vị trí cho đối thủ Hermès. Nguyên nhân chính là kết quả kinh doanh quý I đáng thất vọng, khiến nhà đầu tư bi quan về triển vọng tăng trưởng của tập đoàn.
LVMH sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co. và chuỗi làm đẹp Sephora, đã không đạt kỳ vọng doanh thu trong ba tháng đầu năm. Sức mua tại thị trường Mỹ suy giảm, đặc biệt là ở mảng mỹ phẩm và rượu cognac. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc – vốn được kỳ vọng là động lực phục hồi – cũng vẫn ảm đạm.
Cổ phiếu của LVMH giảm 7%, kéo vốn hóa công ty xuống còn 246 tỷ euro, trong khi Hermès đạt 247 tỷ euro, qua đó chính thức vượt lên.
Theo chuyên gia phân tích Jelena Sokolova từ Morningstar, sự khác biệt trong tệp khách hàng chính là yếu tố mấu chốt. Hermès phục vụ tầng lớp siêu giàu – nhóm ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế – trong khi LVMH tiếp cận cả phân khúc xa xỉ tầm trung, vốn nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh tế.
Sau đại dịch, LVMH từng tận dụng tốt cơ hội phục hồi khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu trở lại. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có dấu hiệu chững lại, và Hermès – với chiến lược tập trung vào giá trị cao cấp bền vững – lại trở nên ổn định hơn trong thời kỳ khó khăn.
Chuyên gia đầu tư Flavio Cereda từ GAM nhận định, thị phần thời trang của LVMH từng mở rộng mạnh mẽ hậu Covid, nhưng sự phụ thuộc vào phân khúc trung cấp – như dòng sản phẩm phổ biến của Louis Vuitton – lại là “điểm yếu” hiện tại.

Trong khi các thương hiệu xa xỉ khác tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng cao hơn, Hermès lại hạn chế nguồn cung, chỉ tăng 6-7% mỗi năm.
Diễn biến này ảnh hưởng ra sao đến toàn ngành hàng xa xỉ?
Sự sụt giảm của LVMH đã kéo theo làn sóng bán tháo trong ngành xa xỉ. Ngoài LVMH giảm 7,2%, các “ông lớn” khác như Kering (chủ sở hữu Gucci) và Hermès cũng giảm lần lượt 2% và 0,3%. Richemont (sở hữu Cartier) giảm 0,7%, còn Prada giảm tới 4,2%.
Báo cáo cho thấy doanh số quý I của LVMH giảm 3%, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng tăng trưởng 2% từ giới phân tích. Chuyên gia Piral Dadhania từ RBC cho rằng kết quả này cho thấy bối cảnh kinh doanh đang khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng và ông đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của LVMH từ 3% xuống mức "đi ngang".
Những căng thẳng thương mại gần đây – đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế – cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu, khiến kỳ vọng phục hồi của ngành xa xỉ trở nên mong manh.
Cuối năm 2024 từng xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng hiện tại lại bị xem là ngoại lệ. Deutsche Bank lưu ý rằng doanh thu từ mảng thời trang và đồ da – vốn là “con gà đẻ trứng vàng” của LVMH – đã quay lại xu hướng giảm 5%, cho thấy đợt phục hồi trước đó không bền vững.
Từ cuối tháng 3, cổ phiếu của các hãng xa xỉ liên tục giảm giá: LVMH, Kering và Burberry đều mất khoảng 14%, Richemont giảm 13%, còn Hermès giảm 5%. Dù giảm, Hermès vẫn là cái tên giữ được nhiều niềm tin nhất từ giới đầu tư.
Mới đây, hãng phân tích Bernstein đã hạ dự báo doanh thu toàn ngành hàng xa xỉ trong năm nay từ tăng 5% xuống... giảm 2% – nếu thành sự thật, đây sẽ là đợt suy thoái dài nhất trong hơn hai thập kỷ qua của ngành này.