April Lyka Biorrey-Nobis, trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Philippine (PNA), cho biết cô không ngại mang theo 4 đến 5 kg hành khô, thứ mà cô cho là thiết thực và độc đáo, cho đám cưới vào ngày 21 tháng 1 của mình.
April Lyka, 28 tuổi đến từ Bingawan ở Iloilo, cho biết ban đầu họ định sử dụng hoa nhưng cô đã nảy ra ý tưởng dùng hành khô với một ít hoa cho bó hoa cưới của mình khi lướt mạng xã hội.
“Tôi vô tình nhìn thấy một bó hoa làm bằng hành khô với một vài bông hoa. Tôi đã ngay lập tức liên hệ với điều phối viên của chúng tôi, người này nói rằng chúng tôi có thể sử dụng ý tưởng này cho đám cưới của mình,” cô ấy chia sẻ.
Cô đã xin phép vị hôn phu của mình, Erwin Nobis, 35 tuổi đến từ Estancia, Iloilo, để sử dụng bó hoa đặc biệt này và anh ấy đã sẵn sàng đồng ý. April Lyka cho biết hoa sẽ chỉ được trưng bày sau đám cưới và một khi héo sẽ bị vứt đi còn hành khô lại rất thiết thực vì chúng vẫn có thể được sử dụng sau đám cưới. Điều phối viên của họ ngay lập tức đặt hàng từ một nhà cung cấp ở La Union vì không có nhà cung cấp nào ở Iloilo.
“Sau đám cưới, hành khô được đưa cho cha mẹ đỡ đầu và phù dâu của chúng tôi để họ mang theo làm quà lưu niệm. Tôi cũng đã tặng bó hoa của mình cho người thân để họ sử dụng hàng ngày,” cô nói thêm.
Không phải ngẫu nhiên hành được chọn làm hoa cưới và quà cưới. Lạm phát cao kỷ lục trong 14 năm qua tại Philippines vào tháng trước với giá nhiên liệu và thực phẩm tăng nhanh đã biến hành thực sự thành thứ đồ xa xỉ. Giá bán lẻ hành tím dao động từ 550 Peso đến 700 Peso/kg (235.000-300.000 đồng) tại các chợ xung quanh Metro Manila vào cuối tháng trước, khiến Philippines trở thành quốc gia có giá hành khô đắt đỏ nhất thế giới. Theo dữ liệu giá bán lẻ các mặt hàng nông sản, mức giá này cao gấp ba lần giá thịt gà và cao hơn 25% so với thịt bò.
Hành khô là nguyên liệu chính trong ẩm thực địa phương của quốc gia Đông Nam Á này - thường được kết hợp với tỏi để làm gia vị cho nhiều món ăn. Nhu cầu trung bình hàng tháng của đất nước đối với loại củ này là khoảng 17.000 tấn.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thừa nhận ngành nông nghiệp nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi cầu vượt quá cung, gây áp lực lên giá cả và khiến chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài nhập khẩu. Philippines đang trong tình trạng “khẩn cấp” do ngành nông nghiệp bị bỏ bê trong nhiều năm, với sản lượng dưới mức nhu cầu.