Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3%. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng tới 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này cũng phần nào phản ánh tình hình thực tế của thị trường kinh doanh nhiều ngành nghề ở thời điểm hiện tại, nó kéo dài từ giai đoạn những tháng cuối năm 2022 đến nay. Như đã biết, những tháng cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, phải cắt giảm hàng nghìn lao động thay vì tuyển người như mọi năm. Hàng loạt công nhân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lại đột ngột mất việc, cuộc sống thêm chật vật.
Khi hàng nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo hàng nghìn lao động mất việc làm, đây là một vấn đề nan giải đối với nhiều lao động hiện nay.
Chị Phan Thị Hồng Nhung, nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội, vừa phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm nhân sự, do mức lương cơ bản thấp, thị trường bất động sản trong giai đoạn vừa qua trầm lắng không bán được nhà nên không có phần trăm, mỗi tháng tiền hỗ trợ từ công ty chỉ khoảng 6 triệu đồng, chưa đủ chi phí sinh hoạt.
Các khoản sinh hoạt phí đều đang phải lấy từ khoản tiền tiết kiệm trước đây ra để chi tiêu hơn 2 năm qua, số tiền này cũng đang dần cạn kiệt, nên sắp tới không có thêm thu nhập chắc chắn sẽ không đủ chi phí sinh hoạt cho 1 tháng.
Nhung cho biết, nếu như không sớm xin được việc chắc chắn phải tạm thời về quê ăn bám gia đình rồi tính tiếp, do ở Hà Nội, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, mỗi tháng phải tiêu tầm 10 triệu đồng may ra mới đủ.
“Mức sống này là rất tiết kiệm, vì bao gồm tiền thuê nhà trọ, chi phí ăn uống, xăng xe đi lại và vô vàn thứ khác phải tiêu trong một tháng, trong khoảng 2 năm trở lại đây thị trường bất động sản gặp khó khăn nên tôi chỉ chi tiêu một số tiền khá khiêm tốn hàng tháng, ngoài mức lương được hưởng từ công ty, số còn lại phải rút từ quỹ tiết kiệm của những năm tháng lao động trước đây ra để tiêu, nay số tiền dư cũng chỉ còn chưa đầy 20 triệu, công việc lại không còn nên rất khó khăn”, Nhung nói.
Tương tự, anh Nguyễn Duy Tiến (29 tuổi) đã thất nghiệp hơn 1 tháng nay, nhưng vẫn phải bám trụ lại Hà Nội để tìm việc làm mới, trong khi các chi phí sinh hoạt như thuê nhà ở, xăng xe và ăn uống vẫn phải chi tiêu hàng ngày, dù không có thu nhập.
Trước đây Tiến làm việc cho một công ty tư nhân tại quận Hà Đông, nhưng do không nhận được đơn hàng nên trong một thời gian dài không có việc làm, chỉ ngồi chơi xơi nước. Sau Tết, công ty Tiến quyết định dừng hoạt động, cuộc sống của Tiến từ đây thêm bế tắc.
Trong khoảng hơn 1 tháng qua, hàng ngày Tiến vẫn đi kiếm việc làm, còn tối về tranh thủ làm shipper kiếm thêm thu nhập để duy trì cuộc sống.
“Tiến cho biết, trước đây làm việc mức lương chỉ hơn 10 triệu đồng mỗi tháng nên không tiết kiệm được gì, khi thất nghiệp mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu không sớm xin được việc làm chắc chắn phải về quê ăn bám bố mẹ”, Tiến nói.
Không quá khó khăn như những trường hợp nêu trên, Hoàng My (sinh năm 1997), là nhân viên truyền thông của một tập đoàn tại Hà Nội, do khó khăn trong quá trình hoạt động nên doanh nghiệp này đã cắt giảm 2/3 nhân sự, My là một trong số những nhân viên bị cắt giảm vì cả ban truyền thông của doanh nghiệp này phải giải thể.
Công ty cắt giảm nhân sự từ đầu tháng 2, nên trở thành thất nghiệp, nữ sinh này dành nhiều thời gian để tìm công việc mới nhưng chưa có công việc phù hợp.
Do có sự hỗ trợ từ gia đình nên mọi chi phí sinh hoạt My không quá lo lắng, không có việc làm nên bố mẹ cung cấp tiền để My sống và ổn định lại.
My cho biết, chi phí thuê nhà ở hết 3,8 triệu đồng, tiền điện nước và các chi phí ăn uống mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, xăng xe đi lại các thứ mỗi tháng hết khoảng 3 triệu.
“Em đi làm lương cũng chỉ được khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng không dư ra được đồng nào nên khi thất nghiệp đành phải xin bố mẹ để tiêu, nhưng cũng ngại vì đã ra trường đi làm mấy năm rồi”, Hoàng My nói.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận từ 2.000 đến 3.000 lao động trên 35 tuổi đăng ký thất nghiệp, chiếm gần 90% tổng số lao động đến đăng ký. Những con số trên phần nào phản ánh tình trạng người lao động mất việc làm sau tuổi 30 trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là một thực tế rất đáng quan tâm.
Đáng nói hơn, số lao động trên 35 tuổi tìm được việc mới qua sàn giao dịch việc làm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay trên bảng thông tin tuyển dụng niêm yết công khai, đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động từ 18 đến 30 tuổi. Do vậy, người lao động bị mất việc làm sau tuổi 30 rất ít cơ hội tìm được việc làm mới.