Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm 2024, mỗi dịp người dân được nghỉ 1 ngày mà không có ngày nghỉ bù. Ảnh chụp màn hình
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương quy định người lao động được nghỉ làm 1 ngày, đó là ngày 10/3 Âm lịch.
Theo lịch, năm 2024, ngày 10 tháng 3 Âm lịch rơi vào thứ Năm ngày 18/4. Chiếu theo quy định, người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày thứ Năm và hưởng nguyên lương.
Sau nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ là kỳ nghỉ lễ Ngày chiến thắng 30/4 (1 ngày) và ngày Quốc tế lao động 1/5 (1 ngày).
Ngày 30/4 rơi vào thứ Ba, còn ngày 1/5 rơi vào thứ Tư. Do đó, người lao động cũng sẽ được nghỉ 2 ngày này hưởng nguyên lương, không có ngày nghỉ bù.
Đối với người lao động, do nhu cầu công việc, doanh nghiệp có thể chủ động đề nghị người lao động đi làm vào những dịp nghỉ lễ này. Tiền lương sẽ được tính làm thêm giờ, quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ Luật Lao động như sau: Tiền lương làm thêm ban ngày = 300% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Tiền lương làm thêm ban đêm = 390% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày lễ, tết được trả lương làm việc ban ngày nhận ít nhất 400% lương; làm việc vào ban đêm nhận ít nhất 490% lương.
Trường hợp, nếu cần huy động người lao động làm việc trong dịp lễ, tết thì người sử dụng lao động cũng cần đảm bảo các điều kiện tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 bao gồm: Phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, không quá 40 giờ/tháng; Bảo đảm tổng số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ.
Nếu cố tình ép buộc người lao động đi làm vào ngày nghỉ quy định, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm về hành chính, quy định tại Nghị định 12/2022 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, người sử dụng lao động.