Giá vàng tăng “điên cuồng” và bài học “cay đắng” của người từng vay vàng mua nhà

“Để trả đủ số vàng đã vay của mợ tôi năm đó, vợ chồng tôi phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi để mua và nhận về bài học đắt giá rằng, thà vay lãi ngân hàng còn hơn vay vàng người thân”.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Phượng, trú tại Đống Đa (Hà Nội) về chuyện vay vay vàng của người thân để mua nhà cách đây 3 năm.

Chị Phượng cho biết, năm 2021, sau hơn 15 năm đi ở trọ, vợ chồng chị đã tìm mua được một căn hộ tập thể ở Đống Đa với số tiền 1,6 tỷ đồng. Với số tiền hơn 700 triệu đồng tích cóp được, bố mẹ hai bên cho thêm tổng cộng 400 triệu đồng, anh chị vẫn còn thiếu một khoản không nhỏ.

“Mẹ tôi ở quê ngỏ ý cho vợ chồng tôi mượn giấy tờ nhà đất của bà để thế chấp vay ngân hàng nhưng mọi người bảo, trước mắt vay mỗi người một ít, thiếu bao nhiêu vay ngân hàng sau cho đỡ phải gánh lãi hàng tháng, thế là tôi hỏi vay. May mắn, anh em họ hàng mỗi người cho vợ chồng tôi mượn vài chục triệu, mợ tôi khi đó cho vay nhiều nhất là 2 cây vàng nhẫn, không lãi, bao giờ trả cũng được”, chị Phượng kể.

Nhiều người "méo mặt" vì trót vay vàng. (Ảnh minh hoạ).

Bán đi 2 cây vàng vay của mợ được tổng cộng 103 triệu đồng, cùng với số tiền mặt mượn được của mọi người, vợ chồng chị Phượng không phải vay thêm ngân hàng, lại còn dư 20 triệu để sơn lại phòng cho con gái và mua thêm một chiếc giường tầng mới.

Vừa đi làm nuôi 2 con nhỏ, chị Phượng vừa tích cóp trả dần các khoản nợ nhỏ trước và dự tính sẽ trả khoản vay bằng vàng của mợ sau cùng.

Tuy nhiên, khi khoản nợ tiền mặt của người thân được trả xong, từ đầu năm, vợ chồng chị Hằng dự tính năm nay sẽ tích cóp để mua vàng trả nợ thì giá vàng tăng chóng mặt, khiến chị đứng ngồi không yên.

“Đầu năm nay, giá vàng nhẫn chỉ 64-65 triệu đồng/lượng, tôi định vay mượn để mua vàng trả mợ thì ai cũng bảo giữa năm vàng sẽ giảm xuống 50-55 triệu đồng/lượng, lúc đó tha hồ mua. Ai ngờ đâu giờ giá vàng lên trên 83 triệu đồng/lượng mà loay hoay mãi tôi vẫn chưa mua được chỉ nào”, chị Phượng thở dài.

Cảnh người dân xếp hàng mua vàng từ đầu năm 

Không chỉ tăng giá, vài tháng nay, chị Phượng nhiều lần tới các hiệu vàng có thương hiệu lớn để mua vàng nhưng cửa hàng nào cũng báo hết. Vòng qua vòng lại nhiều lần phố vàng Trần Nhân Tông nhưng vì chưa “may mắn”, chị vẫn không thể mua vàng tại tiệm.

“Hôm trước, bạn tôi bảo em chị ấy có ít vàng cần bán, nhưng giá cao hơn ngoài cửa hàng 2 triệu đồng/lượng, tức là 85 triệu đồng/lượng vàng nhẫn. Chồng tôi thì cứ giục mua nhưng tôi xót tiền, đắn đo, suy nghĩ. Lúc nghĩ xong thì họ cũng bán xong vàng rồi, tôi lại không có cơ hội mua.

Cứ nghĩ vay người thân không mất lãi nhưng bây giờ mỗi lượng vàng tăng lên hơn 30 triệu đồng so với lúc tôi vay, tính ra cao gấp ba lần tiền lãi vay ngân hàng. Biết giá vàng tăng chóng mặt như thế này, tôi không bao giờ đi vay vàng người thân”, chị Phượng nói.

Giá vàng nhẫn tăng chóng mặt khiến người vay vàng như ngồi trên đống lửa.

Cũng từng vay vàng để mua đất, chị Thảo, trú tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ khi trả xong món nợ đó, chị không dám động đến vàng.

“Lúc tôi mua đất, có bao nhiêu vàng trong nhà tôi đều mang đi bán, từ vàng cưới cho đến vàng của con được mừng tuổi. Không chỉ vay tiền, tôi còn vay của bạn đồng nghiệp 3 cây vàng, vay của bạn học cùng đại học 3 cây vàng năm 2010”, chị Thảo kể.

Thời điểm chị Thảo vay, vàng chỉ có giá 27 triệu đồng/lượng. Một thời gian ngắn sau, giá vàng tăng lên 37 triệu đồng/lượng. Vậy là chị phải bù thêm 60 triệu đồng mới mua được vàng trả bạn.

“Từ đó, tôi không dám động đến vàng. Vừa rồi, ảnh hưởng của bão số 3, vườn nhà tôi bị ngập, hỏng hết cây. Có người bạn cũng ngỏ ý cho vợ chồng tôi vay vàng lấy vốn nhập cây lại để bán nhưng tôi từ chối. Chắc tôi không có duyên với vàng”, chị Thảo bày tỏ.

Không chỉ tăng giá, người dân còn khó mua vàng nhẫn vì nhiều cửa hàng không còn vàng để bán.

Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, pháp luật không cấm việc người dân và doanh nghiệp cho nhau vay vàng. Tuy nhiên, giá vàng lên xuống, biến động khá thất thường và đôi khi tăng, giảm giá rất lớn do nhiều yếu tố quốc tế khác nhau, hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của Nhà nước và các bên tham gia giao dịch. Vì vậy cần hết sức cân nhắc khi vay và cho vay bằng vàng.

Đối với người cho vay thì trước sau họ vẫn giữ một số lượng vàng cố định dù giá có tăng hay giảm bao nhiêu. Đối với người đi vay, khi trả nợ mà giá giảm thì có lợi, nhưng nếu giá tăng cao, thậm chí tăng gấp rưỡi, gấp đôi khi vay, thì sẽ vô cùng thiệt hại.

“Tức ngoài lãi suất vay (nếu có), thiệt do chênh lệch giá mua vào, bán ra, còn có thể phải trả thêm tiền do giá tăng. Khi đó lãi suất có thể tính thêm vài chục, thậm chí hàng trăm phần trăm mỗi năm. Chính vì nguy cơ rủi ro rất lớn từ sự thất thường đó, nên ngành Ngân hàng đã cấm việc huy động và cho vay bằng vàng”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Hồng Cảnh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN