Đồng minh gặp vấn đề, Ukraine đối mặt thách thức lớn trong năm 2024

Một số nhà phân tích nhận định, việc các đồng minh chỉ cung cấp một phần số đạn dược mà Ukraine cần sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho Kiev trong năm tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Vào tháng 3 năm nay, Ukraine đã đề nghị các đồng minh châu Âu cung cấp 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó, ông Oleksiy Reznikov, cho biết, kế hoạch tác chiến tổng thể của nước này cần ít nhất 350.000 quả đạn pháo/tháng. Kiev khi đó có thể tự cung cấp 110.000 quả đạn pháo/tháng và cần các đồng minh châu Âu hỗ trợ số thiếu hụt còn lại.

Liên minh châu Âu cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo trong vòng một năm, đáp ứng 1/3 số lượng Ukraine yêu cầu.

Đến cuối tháng 11, EU đã chuyển giao 300.000 quả đạn pháo từ kho dự trữ của quân đội châu Âu cho Kiev. Ông Josep Borrell, lãnh đạo phụ trách đối ngoại của EU, tuyên bố, còn 4 tháng để cung cấp số đạn pháo còn lại cho Ukraine nhưng số đạn pháo này phải chờ sản xuất mới.

Sau gần 2 năm xung đột diễn ra trên đất châu Âu, EU vẫn chưa kiểm soát được năng lực sản xuất của châu lục này. "Hôm nay, chúng tôi muốn biết chúng ta đang ở đâu và nhịp độ sản xuất số đạn pháo còn lại cho Ukraine ở mức nào?", ông Borrell nói ngày 14/11 trong một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU.

Theo Al Jazeera, EU loay hoay tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên. Ông Borrell đã đề xuất, ngành công nghiệp quốc phòng của EU sẽ dừng ký hợp đồng với các khách hàng ngoài châu lục, những người đang mua khoảng 40% sản lượng đạn pháo của EU.

Trong khi đó, Mỹ có phản ứng nhanh hơn. Vào tháng 2, Washington quyết định tăng sản lượng đạn pháo lên gấp 6 lần so với trước đó - một mức độ sản xuất chưa từng thấy kể từ chiến tranh Triều Tiên - để gửi thêm đạn pháo cho Ukraine, đồng thời vẫn đảm bảo kho dự trữ cho các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Theo New York Times, trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, mức sản xuất 14.400 quả đạn pháo mỗi tháng là đủ để quân đội Mỹ sử dụng. Nhưng nhu cầu cung cấp cho Kiev đã thúc đẩy các lãnh đạo của Lầu Năm Góc tăng gấp 3 lần mục tiêu sản xuất vào tháng 9/2022. Tới tháng 1/2023, Mỹ tiếp tục tăng gấp đôi mục tiêu sản xuất đạn pháo, lên mức 90.000 quả mỗi tháng. Tuy nhiên, phải tới cuối năm 2024, các nhà thầu quốc phòng Mỹ mới đạt được năng lực sản xuất đó.

Chuyện gì đang xảy ra với châu Âu?

Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155mm tại vị trí chiến đấu ở vùng Donetsk ngày 6/8/2023. Ảnh: Getty

EU tuyên bố sẽ có thể sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng triệu viên đạn pháo, bao gồm cả tên lửa, mỗi tháng vào mùa xuân năm 2024.

"Tôi chịu trách nhiệm về năng lực sản xuất đạn dược. Vì vậy, tôi có thể xác nhận, mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu viên đạn pháo hàng năm có thể đạt được", Thierry Breton, Ủy viên Thị trường EU, tuyên bố ngày 14/11.

Theo ông Breton, để điều đó xảy ra, các chính phủ phải bắt tay vào việc.

"Chính các quốc gia thành viên EU phải đặt hàng số đạn pháo này, sản xuất chúng và đảm bảo chúng được sản xuất để dành cho Ukraine. Tất cả những điều này đều nằm trong tầm tay của các nước thành viên EU", ông Breton nói.

Tuy nhiên, tới ngày 6/12, các nước thành viên EU chỉ đặt hàng 60.000 trong tổng số 1 triệu quả đạn pháo mà họ cam kết cung cấp cho Ukraine, Reuters đưa tin.

Các đơn đặt hàng mất nhiều thời gian để hoàn thành. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về việc tới tháng 3/2024 (sau 4 tháng kể từ tuyên bố của ông Josep Borrell), EU có thể cung cấp nốt số đạn pháo còn lại cho Ukraine. Nhà sản xuất thép và vũ khí Rheinmetall của Đức cho biết đã nhận được đơn đặt hàng trị giá 142 triệu euro (156 triệu USD) để sản xuất đạn pháo cho Ukraine, nhưng thời gian bàn giao số đạn pháo này là năm 2025 mà không phải là đầu năm 2024.

Các chuyên gia nhận định, có nhiều lý do dẫn đến việc EU không thể cung cấp số đạn pháo như đã cam kết cho Kiev.

Không giống như các lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi năng lượng xanh hay vận tải - nơi các nước thành viên EU có chính sách phối hợp chặt chẽ - chính sách quốc phòng và đối ngoại vẫn phụ thuộc vào năng lực mỗi quốc gia.

"Chúng tôi không có một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng như một chính sách quốc phòng châu Âu tích hợp với nhau. Xung đột ở Ukraine trong gần 2 năm qua đã cho thấy rõ điều đó", Bastian Giegerich, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, có trụ sở ở Anh, nói. "Ông Borrell đang làm rõ rằng thất bại ở cấp độ EU cũng là thất bại của mỗi quốc gia thành viên không có khả năng sản xuất trên quy mô lớn trong một khoảng thời gian nhất định".

Thiếu sự phối hợp trong chính sách đối ngoại cũng là một thách thức với EU. "Chúng tôi không có nhận thức chung về mối đe dọa. Vì vậy, mỗi quốc gia có những ưu tiên khác nhau", Minna Alander, nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế Phần Lan, cho biết.

Việc châu Âu rút vốn đầu tư khỏi ngành công nghiệp nặng, bao gồm cả sản xuất kim loại, góp phần khiến nguồn cung nguyên liệu thô cho vũ khí ngày càng khan hiếm.

"Nếu muốn xây một cây cầu, 80% thép của một nước châu Âu phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc một số quốc gia khác. Điều tương tự cũng xảy ra khi sản xuất vũ khí",  Yiorgos Margaritis, giáo sư danh dự tại Đại học Thessaloniki (Hy Lạp), nói.

 Một số chuyên gia cho rằng, nếu EU không duy trì được khả năng tự cung tự cấp trong ngành công nghiệp nặng thì sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của khối.

"Châu Âu cần một sự thay đổi mang tính thời đại trong tư duy chính trị, cùng với chi tiêu quốc phòng cao hơn đáng kể và nỗ lực thay đổi nhận thức của công chúng về sự cần thiết của một nền quốc phòng mạnh mẽ", ông Giegerich, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh).

Tâm Hoa - Al Jazeera

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN