Đọc vị 7 cảm xúc này ở tuổi vị thành niên giúp con vượt qua khủng hoảng

Tuổi dậy thì hay tuổi vị thành niên có lẽ là giai đoạn mà con cái khiến cha mẹ lo lắng và đau đầu nhiều nhất.

Điều khó khăn nhất trong việc nuôi dạy con cái chính là khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Nhiều bậc cha mẹ than phiền không biết phải xử lý con như thế nào khi chúng ở độ tuổi “dở dở ương ương” này.

Li Meijin - Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc từng nói: “Trẻ em ở tuổi vị thành niên giống như bông hoa mọc trên vách đá, trông tràn đầy sức sống nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro”.

Để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, đồng thời ngăn chặn mối quan hệ căng thẳng giữa cha mẹ - con cái, bạn cần chú ý tới 7 cảm xúc này ở con mình.

1. Khó chịu vì bị cha mẹ chỉ trích trước mặt bạn bè

Ở tuổi dậy thì, trẻ rất quan tâm tới những gì bản thân nghĩ hơn là những gì cha mẹ nghĩ.

Một đặc điểm quan trọng trong sự phát triển tâm lý ở tuổi thiếu niên là nguồn gốc nhận thức của trẻ đã thay đổi, nó chuyển từ sự khẳng định của cha mẹ, thầy cô sang sự công nhận của bạn bè đồng trang lứa.

Những đứa trẻ nhạy cảm, có lòng tự trọng mạnh mẽ, có thể sẽ gây ra những hành động cực đoan cho bản thân hoặc người khác một khi bị cha mẹ làm mất mặt trước bạn bè.

Tại Trung Quốc từng xảy ra một câu chuyện đau lòng, một cậu bé 14 tuổi đã lao ra khỏi tòa nhà sau khi bị mẹ tát công khai trong hành lang trường học. Không ai biết được trong lòng cậu như thế nào suốt 2 phút im lặng trước khi nhảy khỏi lan can.

Cha mẹ vô tình huỷ hoại cuộc sống của con mình bằng cách bóp nghẹt lòng tự trọng của chúng. Giữ thể diện, lòng tự trọng cho con là điều quan trọng đối với mỗi bậc cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên.

2. Tức giận vì cha mẹ hay nói chuyện bằng giọng điệu ra lệnh

Trẻ ở tuổi vị thành niên quan tâm tới thái độ nói chuyện hơn là những gì cha mẹ nói.

Nhiều bậc cha mẹ hiểu sâu sắc rằng khi giao tiếp với con cái ở tuổi vị thành niên, họ chỉ có thể nói nhẹ nhàng, không thể ép buộc. Nếu càng ra lệnh và kiểm soát trẻ, chúng càng chống lại và nổi loạn.

Con cái giống như một chiếc lò xo, cha mẹ tạo bao nhiêu áp lực thì đứa trẻ sẽ phản kháng bấy nhiêu. Ngược lại, cha mẹ cho đi bao nhiêu sự dịu dàng, con cái sẽ đáp lại bấy nhiêu sự tử tế.

Giọng điệu nói khác nhau, hiệu quả giao tiếp cũng khác nhau. Cha mẹ nói chuyện với giọng điệu tôn trọng, trẻ sẽ biết lắng nghe và tôn trọng người khác.

3. Căm ghét khi bị so sánh trẻ với người khác

Việc cha mẹ so sánh con mình với con nhà người khác khiến đứa trẻ cảm thấy rất đau lòng và khó chịu.

Ý định ban đầu của cha mẹ có thể là động viên con cái, nhưng trong mắt con cái lại là “con quá tệ”, “mẹ không hài lòng về con”. Điều này có thể khiến những đứa trẻ tuổi vị thành niên đang tìm kiếm và xây dựng giá trị bản thân rơi vào vực thẳm của sự nghi ngờ bản thân vô tận và thậm chí là từ bỏ bản thân.

Có một cậu bé 13 tuổi ở Nam Kinh, Trung Quốc bỏ nhà đi vì tức giận, sau khi bị cha liên tục so sánh với những đứa trẻ khác.

"Bố nghĩ cháu không thể làm được điều này hay điều kia, thường so sánh cháu với những đứa trẻ khác. Ông ấy không thích cháu".

Nỗi đau lớn nhất của những đứa trẻ vị thành niên là cha mẹ chúng không bao giờ nhận ra giá trị của con mình.

4. Thất vọng khi không được tôn trọng như một người lớn

Khi trẻ em bước vào tuổi vị thành niên, cha mẹ cần thay đổi tất cả các cách giáo dục, đối xử với trẻ một cách tôn trọng như đồng nghiệp của mình.

Sự xấu đi trong mối quan hệ giữa nhiều trẻ vị thành niên và cha mẹ chúng bắt đầu từ sự thiếu tôn trọng.

Trong cuộc sống, có không ít những trường học dù con cái đã lớn nhưng vẫn bị cha mẹ quản lý, bắt con làm mọi thứ theo ý mình. Con cái chưa bao giờ được quyết định bất cứ điều gì.

Cha mẹ không biết tôn trọng là một tai họa cho trẻ vị thành niên.

5. Phẫn nộ khi cha mẹ không kiên nhẫn, lắng nghe con cái nói

Có một câu nói rằng: “Bi kịch của trẻ vị thành niên phần lớn không phải do cha mẹ không đủ yêu thương mà do cách giao tiếp sai lầm. Cha mẹ cần sự lắng nghe chân thành hơn là cằn nhằn".

Trên trang Zhihu có một câu hỏi: “Từ khi nào bạn không còn muốn liên lạc với bố mẹ nữa?”.

Một cư dân mạng trả lời rằng: “Khi tôi hào hứng muốn chia sẻ những câu chuyện thú vị của mình với bố mẹ, tôi bị họ dội cho một gáo nước lạnh. Mọi suy nghĩ của tôi vừa được thốt ra, chúng đã bị phủ nhận hoàn toàn.

Khi tôi đạt 92 điểm trong bài kiểm tra lần đầu tiên ở trường trung học cơ sở, họ phớt lờ và chế nhạo. Kể từ đó, tôi đã học cách im lặng”.

Nhà giáo dục học Pamela Drucker nói: "Ngay cả khi có điều gì đó không ổn với một đứa trẻ, cha mẹ có trách nhiệm lắng nghe và thấu hiểu con mình".

Lắng nghe là món quà tốt nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái ở tuổi vị thành niên.

6. Khao khát sự thấu hiểu khi con nổi loạn

Có nhiều người cho rằng, con cái ở tuổi mới lớn xảy ra “chiến tranh” với cha mẹ là điều rất bình thường, một bên thường xuyên khiêu khích, còn một bên  hay đàn áp.

Sự nổi loạn ở tuổi thiếu niên giống như tai họa trong mắt cha mẹ. Nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, đằng sau sự nổi loạn của trẻ là thiếu vắng sự đồng hành của cha mẹ bên cạnh con cái.

Đứa trẻ càng nổi loạn, nó càng khao khát hơi ấm của một cái ôm. Josh Shipp – một chuyên gia giáo dục người Mỹ từng nói: “Tuổi thiếu niên là một cơn bão dữ dội với những thay đổi đột ngột về cơ thể và tâm trí. Mọi đứa trẻ có vẻ nổi loạn và khó gần đều cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cha mẹ”.

Là cha mẹ, điều bạn phải làm không phải là đè nén mà là buông bỏ lo lắng, chấp nhận con, hiểu con và để con tích lũy sức mạnh theo cách của mình.

Đồng thời, bạn phải theo sát quá trình trưởng thành của con cái, dù chúng có nổi loạn tới đâu thì bố mẹ vẫn luôn yêu thương con mình. Chỉ khi khẳng định được điều này, con cái mới vượt qua khủng hoảng tuổi vị thành niên và trưởng thành thực sự.

7. Hy vọng cha mẹ có thể thấu hiếu, kiên nhẫn, tin tưởng con mình

Trẻ vị thành niên giống như một ổ khóa, kiên nhẫn và tin tưởng là chìa khóa để mở khóa.

Ở độ tuổi này, tính cách của trẻ rất thất thường, hay thay đổi, bạo lực và có phần nguy hiểm. Nhưng trên thực tế, trẻ không quá khó để giao tiếp, chỉ cần cha mẹ kiên nhẫn, thấu hiểu, chấp nhận, cùng đồng hành là sẽ giúp con vượt qua giai đoạn này một cách yên bình.

Khi con cái được cha mẹ tin tưởng, ủng hộ, dù chúng gặp phải bao nhiêu thất bại và sóng gió cũng sẽ không rụt rè lùi bước.

Làm cha mẹ của một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên thật khó khăn vì thường thì những nỗ lực của cha mẹ dường như vô ích. Tuy nhiên, dù không hoàn hảo nhưng cha mẹ có thể dành cho con yêu thương trọn vẹn.

THUỲ LINH (Theo Aboluowang)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN