DN bán nước nước giải khát báo lãi quý 3 tăng trưởng 93%, cổ phiếu tăng 64% kể từ đầu năm

Giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc, loạt công ty báo lỗ quý 3/2023 liên tiếp, thì doanh nghiệp chuyên bán nước giải khát, nước cốt dừa này đã hoàn thành 151% mục tiêu lợi nhuận.

CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood, mã IFS) vừa công bố BCTC quý 3/2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 468 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng nước giải khát đem lại 382 tỷ đồng, tiếp tục là nguồn thu chủ lực; song song, doanh thu từ thực phẩm đóng hộp với sản phẩm chính là nước cốt dừa cũng đem lại 85 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trừ chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 177 tỷ đồng, tăng 25% so với quý 3/2022. Nhờ đó, biên lãi gộp được cải thiện mạnh từ 33% lên 38% trong quý 3/2023.

Cổ phiếu IFS của CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood, mã IFS) tăng xấp xỉ 64% kể từ đầu năm nay

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 56% so với cùng kỳ lên hơn 8 tỷ đồng do Interfood duy trì khoản tiền gửi ngắn hạn 700 tỷ đồng tại một ngân hàng có lãi suất ổn định.

Kết quả, Interfood báo lãi trước thuế đạt hơn 79 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 63 tỷ đồng, cùng tăng trưởng mạnh 93% so với quý 3/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần IFS tăng 10% lên 1.340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 64% lên mức 207 tỷ đồng. Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 137 tỷ đồng trong năm 2023, sau 9 tháng đầu năm, IFS đã vượt xa 51% so với mục tiêu đề ra.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu IFS chứng kiến mức tăng xấp xỉ 64% kể từ đầu năm nay, đóng cửa phiên 20/10 cổ phiếu này dừng ở mốc 26.500 đồng/cp.

Đóng cửa phiên 20/10, VN-Index tăng 20,18 điểm (+1,86%) lên mốc 1.108,03 điểm; HNX-Index tăng 5 điểm lên 228,45 điểm và UPCOM-Index tăng 0,62 điểm lên 85,62 điểm.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong những ngày tới, các chuyên gia cho rằng, mặc dù chỉ số đã xuất hiện những nỗ lực hồi phục đầu tiên song đây khả năng cao chỉ là một phiên hồi phục mang tính kỹ thuật và thị trường vẫn chưa đủ điều kiện để xác nhận đã tạo đáy.

Trong kịch bản tích cực nhất, ông Thái Hữu Công, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng VN-Index sẽ diễn biến theo xu hướng sideway down và chớm phá vùng đáy quanh 1.073-1.075 điểm. Nếu chỉ số có thể giữ vững ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 1.055 (+-5), VN-Index sẽ có cơ hội bước vào một nhịp hồi phục trong ngắn hạn.

Với xu hướng giảm điểm đang đóng vai trò chủ đạo, ông Công nhận định việc ưu tiên quản trị rủi ro danh mục nên đặt ưu tiên hàng đầu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao trong danh mục, ông khuyến nghị bán hạ tỷ trọng về mức an toàn trong các nhịp hồi phục sớm. Còn đối với các nhà đầu tư đang đứng ngoài chờ cơ hội, các ngưỡng hỗ trợ xa hơn tại vùng 1.055 (+-10) sẽ phù hợp để có thể gia tăng tỷ trọng trading trở lại.

Nhận định phiên giao dịch đầu tuần, CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng: Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên 23/10 và chỉ số VN-Index biến động gần mức 1,100 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và các chỉ báo kỹ thuật có dấu hiệu hồi phục từ quá bán, nếu nhịp hồi phục tiếp tục diễn ra trong vài phiên tới với khối lượng giao dịch tăng dần thì xác suất hình thành vùng đáy quanh vùng 1,100 điểm của chỉ số VN-Index được đánh giá cao.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm về bi quan quá mức cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể hạn chế bán ở vùng giá này và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường ở phiên giao dịch tới.

Quỳnh Chi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN