Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam cần có hướng dẫn kiểm soát chất lượng và an toàn cháy nổ
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu về trung hòa carbon, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 35% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2025.
Điện mặt trời là giải pháp đặc biệt phù hợp để ứng phó với thời tiết nóng nực của mùa hè khi bức xạ của mặt trời mạnh nhất và nhu cầu sử dụng điện cho hệ thống làm mát cũng ở mức cao nhất.
Tại Việt Nam, cùng với những biến chuyển của an ninh năng lượng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt điện năng, năng lượng tái tạo đang có nhiều tiềm năng phát triển và được nhìn nhận rộng mở hơn với sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân. Hiện nguồn thủy điện đã khai thác tới 80% công suất và gần như không còn dư địa phát triển.
Trong khi đó, giai đoạn tháng 5, tháng 6 cao điểm nắng nóng vừa qua, khu vực miền Bắc đã chứng kiến công suất điện thiếu hụt ước tính lên tới 1.600 - 1.900MW.
Chính vì vậy, năng lượng điện mặt trời áp mái đã và đang được các doanh nghiệp quan tâm và chủ động áp dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, với sự “nở rộ” của rất nhiều công nghệ, nhãn hiệu, đơn vị thi công, lắp đặt,… thách thức lớn về kiểm soát chất lượng và an toàn cháy nổ tại các công trình điện mặt trời áp mái đang được đặt ra. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển điện mặt trời hiệu quả, đảm bảo an toàn
Trước thực trạng này, ngày 25/8/2023, Sao Nam Tek cùng với SolarEdge và Risen Energy đã phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề "Điện mặt trời: An toàn tối đa, đầu tư hiệu quả" với mong muốn mang những giải pháp tối ưu, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay tới thị trường Việt Nam. Đến tham dự chương trình có sự góp mặt của ông Lê Phương Bình - Trưởng phòng Quản lý Năng Lượng, thuộc Sở công thương TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cùng hơn 50 đại biểu trên địa bàn thành phố.
SolarEdge - thương hiệu biến tần đến từ Israel - là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực giải pháp năng lượng trên thế giới với hơn 50% công ty trong danh sách Fortune 100 đã và đang sử dụng giải pháp của SolarEdge. Giới thiệu công nghệ biến tần Optimizer sử dụng bộ tối ưu công suất gắn trên từng tấm pin riêng lẻ, đại diện SolarEdge khẳng định: “Với tiêu chí an toàn là ưu tiên hàng đầu, bằng cách tích hợp nhiều lớp tính năng an toàn cùng với công nghệ Optimizer, giải pháp PV của SolarEdge vượt xa các yêu cầu an toàn hiện có của ngành, không những gia tăng hiệu suất và sản lượng điện năng, mà còn hỗ trợ giảm thiểu tối đa rủi ro thường gặp trong hệ thống điện mặt trời hiện nay”.
Trong khi đó, Risen Energy - Top 500 công ty nổi tiếng về năng lượng mới trên thế giới - mang tới một “cuộc cách mạng” với công nghệ tấm pin Heterojunction (HJT). Nằm trong Top 10 nhà sản xuất PV Module, Risen Energy là công ty đầu tiên và duy nhất đầu tư dây chuyền và sản xuất đại trà tấm module HJT với tên gọi Hyper-ion. Công suất sản xuất riêng cho HJT sẽ đạt 15GW vào cuối năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Mai Thảo - đại diện bán hàng của Risen Energy cho biết: “HJT có công suất cao nhất lên tới 705Wp+, khả năng duy trì điện năng lên đến hơn 90% trong 30 năm đầu. Đây là một trong những công nghệ mang lại hiệu năng tốt nhất thế giới hiện nay, giúp các hệ thống năng lượng mặt trời giảm đáng kể lượng khí thải CO2, giảm chi phí tổng thể, cải thiện lợi nhuận cho các nhà đầu tư”.
Theo ông Nguyễn Thượng Quân - Tổng Giám đốc Sao Nam Tek (đơn vị đồng tổ chức và cũng là nhà phân phối biến tần SolarEdge và tấm quang điện Risen Energy), một hệ thống điện mặt trời an toàn và hiệu quả cần thỏa mãn các tính năng sau: Khi đầu tư một hệ thống điện mặt trời, phải nghĩ đến thời gian khai thác dài hạn, tối thiểu là 20 năm. Cần áp dụng công nghệ tắt hạ được điện áp DC từ chuỗi tấm quang điện đến biến tần (inverter). Các tấm quang điện cần “thông minh” hơn chứ không thụ động như hiện nay. Ngoài ra, hệ thống inverter cần có chức năng bắt điểm công suất cực đại (MPPT) tại từng tấm quang điện chứ không theo chuỗi như hiện nay. Qua đó, tối ưu được sản lượng điện và giảm thiểu ảnh hưởng mất sản lượng do bóng che hoặc mái nhà đa hướng; đồng thời, ngăn ngừa suy thoái công suất trong quá trình sử dụng hàng chục năm.
Ông Nguyễn Thượng Quân cũng cho biết thêm: “Từ rất sớm (năm 2017), Sao Nam Tek đã đưa về thị trường Việt Nam khái niệm công nghệ biến tần Optimizer. Hiện, Sao Nam Tek cũng đang tiến thêm một bước mới khi trở thành đối tác ủy quyền của hãng SolarEdge trong công tác hỗ trợ kỹ thuật của cho toàn bộ thị trường Việt Nam.”
Trước khi có những tiêu chuẩn hướng dẫn về an toàn điện mặt trời, các doanh nghiệp, nhà phân phối hoàn toàn có thể phòng ngừa các sự cố không đáng có bằng những sản phẩm chuyên biệt, tối tân nhất đến từ các thương hiệu uy tín thế giới.