Đảo chính ở Niger: Cơ hội và thách thức của Nga

Cuộc đảo chính ở Niger được đánh giá là mang đến cho Nga cả cơ hội và thách thức, có thể định hình lại chiến lược đối ngoại của Moscow ở vùng Sahel - khu vực khô cằn phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. 

Người biểu tình ở Niger giương cờ Nga. Ảnh: AP

Trong một thế giới nơi các động lực địa chính trị không ngừng phát triển, cuộc đảo chính gần đây ở Niger đã gây ra những "gợn sóng" ở vùng Sahel, mang theo hệ lụy vượt ra khỏi châu Phi. Theo International Policy Digest, trang web chuyên phân tích chính sách quốc tế, diễn biến này cần phải được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là cách nó có thể thay đổi các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nga ở Sahel. 

Ngày 26/7, Niger lại trải qua một cuộc đảo chính quân sự, viết thêm một chương mới vào lịch sử chính trị đầy bất ổn của quốc gia Tây Phi này. Việc quân đội do tướng Abdourahamane Tchiani lãnh đạo phế truất và giam lỏng Tổng thống Niger Mohamed Bazoum làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của vùng Sahel, một khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khủng bố, nghèo đói và biến đổi khí hậu. 

Theo trang International Policy Digest, sự tham gia của Nga ở Sahel rất đa dạng, phản ánh những mối quan tâm lớn hơn của Moscow ở vùng này. Các hoạt động của Nga ở Sahel trải dài từ các thỏa thuận vũ khí, liên minh quân sự tới các sáng kiến ngoại giao nhằm chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. 

Tuy nhiên, cuộc đảo chính ở Niger được đánh giá là sẽ mang tới cả cơ hội và thách thức, định hình lại chiến lược đối ngoại của Moscow ở Sahel. 

Cây viết Priscilla Plat của trang International Policy Digest cho rằng, một trong những tác động trực tiếp của cuộc binh biến ở Niger là ảnh hưởng tới khả năng can thiệp vào nỗ lực chống khủng bố đang diễn ra. 

Sahel trở thành "trung tâm" hoạt động cực đoan với các nhóm khủng bố như Boko Haram, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở vùng đại sa mạc Sahara, hay al-Qaeda, gây ra những mối đe dọa đáng kể với an ninh khu vực.

Là một thành viên quan trọng trong lực lượng chống khủng bố chung G5 Sahel (nhóm 5 nước ở vùng Sahel), Niger đóng vai chính trong việc ngăn chặn các mối đe dọa này. Cuộc đảo chính làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Niger trong việc tiếp tục chống khủng bố và có thể làm suy yếu phản ứng của nhóm G5 Sahel với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. 

Nga đã thể hiện là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố, cả trong khu vực và trên thế giới. Nếu bất ổn chính trị ở Niger gây nguy hiểm đến nỗ lực chống khủng bố, Nga có thể sẽ phải xem xét lại cam kết của nước này và cân nhắc một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để lấp đầy khoảng trống đảm bảo an ninh mà các nước phương Tây để lại do tầm ảnh hưởng bị giảm sút ở Sahel. Điều này có thể dẫn đến việc Moscow tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia Sahel, khẳng định hình ảnh của Nga như một đối tác an ninh tin cậy. Dẫu vậy, cuộc binh biến cũng làm nổi bật các rủi ro vốn có của việc phụ thuộc quá nhiều vào giải pháp quân sự.

Số liệu về các cuộc đảo chính thành công và thất bại ở vùng Sahel kể từ năm 1952 cho thấy đây là khu vực đầy bất ổn. Ảnh: John Lyman

Nguyên nhân sâu xa của bất ổn ở vùng Sahel gắn liền với các vấn đề như nghèo đói, lỗ hổng quản lý và căng thẳng sắc tộc. Một số chuyên gia cho rằng, chính sách đối ngoại của Nga ở vùng này có thể chuyển hướng sang cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án phát triển và sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản nói trên. 

Theo trang International Policy Digest, một khía cạnh khác trong tác động của cuộc đảo chính ở Niger đối với Nga liên quan đến khát vọng toàn cầu của nước này. Sự tham gia của Nga ở châu Phi được coi là một phần trong kế hoạch đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nga. Bằng cách "vun đắp" mối quan hệ chính trị và kinh tế với các quốc gia châu Phi, Moscow muốn tăng cường ảnh hưởng địa chính trị và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ở châu Phi. Tuy nhiên, sự bất ổn do cuộc đảo chính ở Niger gây ra có thể buộc Nga phải điều chỉnh lại mục tiêu và chiến thuật của nước này. 

Binh biến ở Niger làm nổi bật sự mong manh của quan hệ đối tác trong vùng Sahel, nơi vốn nổi tiếng với sự bất ổn. Nga sẽ dễ nhận thấy nước này đang làm việc với các lãnh đạo mới và chưa qua thử thách. Điều này có thể đòi hỏi Moscow phải xem xét lại các chiến lược và mục tiêu. 

Theo cây viết Priscilla Plat, khi mặc nhiên trở thành "người chơi chính" trong khu vực do các nước phương Tây mất dần tầm ảnh hưởng, Nga phải nắm vững nghệ thuật cân bằng giữa các mục tiêu địa chính trị với yêu cầu giải quyết các nguyên nhân chính gây mất an ninh ở Sahel.

Tâm Hoa - International Policy Digest

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN