Đang "bí" vì thiếu viện trợ từ Mỹ và EU, Ukraine nhận được hơn 1,3 tỷ USD

Trong bối cảnh chưa nhận được viện trợ bổ sung từ Mỹ và EU, Kiev tuyên bố, số tiền hơn 1,3 tỷ USD mới nhận là vô cùng quý giá.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko tham gia phỏng vấn khi tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới vào tháng 10/2023. Ảnh: Reuters

Theo Al Jazeera, Ukraine ngày 25/12 đã nhận được khoản tài trợ quan trọng 1,34 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Bộ Tài chính Ukraine đầu tuần này cho biết, 1,34 tỷ USD là khoản tài trợ bổ sung thứ 6 trong dự án Chi tiêu cho Hành chính ở Ukraine, bao gồm khoản vay 1.086 tỷ USD từ WB, khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 190 triệu USD từ Na Uy, khoản tài trợ 50 triệu USD từ Mỹ và 20 triệu USD tài trợ từ Thụy Sĩ.

Theo Bộ Tài chính Ukraine, số tiền trên được cung cấp để hỗ trợ sự ổn định kinh tế và tài chính liên quan đến các vấn đề phi an ninh ở nước này. Bộ Tài chính Ukraine nói thêm rằng, một phần trong số 1,34 tỷ USD này sẽ được dùng để bù đắp cho các khoản chi tiêu liên quan đến quốc phòng và ngân sách phi an ninh của Ukraine, bao gồm các khoản phúc lợi xã hội cho người già và chi trả cho nhân viên của Cơ quan Khẩn cấp nhà nước.

"Hỗ trợ tài chính quốc tế là một đóng góp đáng kể để duy trì sự ổn định tài chính và kinh tế của Ukraine, cho phép chúng tôi cung cấp các chi tiêu xã hội ưu tiên trong thời chiến", Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko nói.

"Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, chính phủ Nhật Bản, Mỹ, Na Uy và Thụy Sĩ đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ. Tôi biết ơn các đối tác của chúng tôi vì họ sẵn sàng giúp đỡ Ukraine trong thời điểm quan trọng", ông Marchenko nói thêm.

Khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc sau gần 2 năm, có một sự bất ổn ngày càng tăng trong việc phương Tây ủng hộ Ukraine.

Đầu tháng này, Nhà Trắng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng quỹ dành để viện trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay, trong bối cảnh Nga tăng cường chiến dịch nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Theo Al Jazeera, Mỹ, quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine, đã gửi hơn 40 tỷ USD viện trợ kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2020. Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội gần đây bày tỏ sự hoài nghi với việc phê duyệt viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Thượng viện Mỹ nói rằng sẽ bỏ phiếu về một gói viện trợ cho Ukraine vào năm 2024. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn có thể không thông qua gói viện trợ này.

Sự bế tắc về viện trợ cho Ukraine cũng xảy ra ở EU, khi Hungary đã dùng quyền phủ quyết của nước thành viên EU để chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) của khối cho Kiev. EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào tháng 1/2024.

Những khó khăn trong đảm bảo viện trợ cho Ukraine ở Mỹ và EU có thể thể là dấu hiệu cho thấy phương Tây dần "cảm thấy mệt mỏi" với cuộc xung đột kéo dài, khi kết quả ngoài chiến trường của Ukraine chưa có bước ngoặt đáng kể.

Ông Zelensky lưu ý, "chính sách đối ngoại của Kiev sẽ tích cực với nhiều hoạt động quốc tế trong tháng 1/2024". "Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo mọi người đều tự tin về các vấn đề như viện trợ quân sự, hỗ trợ tài chính vĩ mô và hỗ trợ chính trị", Tổng thống Ukraine tuyên bố.

Tâm Hoa - Al Jazeera

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN