Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày 21/3. Kết phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 16,34 điểm để đóng cửa ở mức 1.276,42 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt 29.614 tỷ đồng, tăng hơn 6.600 tỷ đồng so với phiên liền trước. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index ghi nhận tăng 3,12 điểm để đóng cửa ở mức 241,14 điểm, chỉ số Upcom-Index tăng 0,27 điểm để đóng cửa ở mức 90,82 điểm.
Trong phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của chỉ số VN-Index, mã cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt có phiên tăng mạnh kịch trần để đóng cửa ở mức giá 30.750đ/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất của PDR trong hơn một năm gần đây. Cùng với tăng về giá, thanh khoản của PDR cũng tăng mạnh với vần 40,2 triệu cổ phiếu được sang tay, trong đó khối lượng mua chủ động đạt hơn 25,2 triệu cổ phiếu và có hơn 13,3 triệu cổ phiếu được giao dịch ở mức giá trần. Thanh khoản của PDR đạt hơn 1.211 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với phiên liền trước.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu PDR trong phiên giao dịch ngày 21/3 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông. Mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt ghi nhận tăng thêm hơn 566 tỷ đồng khi cử nhân 54 tuổi người Quảng Ngãi đang trực tiếp nắm giữ hơn 283,2 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp mình làm lãnh đạo. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của ông Đạt đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 8.709 tỷ đồng.
Khối tài sản của ông Đạt tăng mạnh cùng cổ phiếu đang nắm giữ
Mức tăng mạnh của PDR đến sau thông tin PDR cho biết đã nộp hồ sơ đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về kế hoạch phát hành 134 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu kế hoạch này được phê duyệt và thực hiện thành công, Bất động sản Phát Đạt dự kiến thu về khoảng 1.340 tỷ đồng trong năm nay.
Toàn bộ số tiền thu về sẽ được sử dụng để triển khai các dự án bất động sản của công ty và công ty con, như: Dự án Khu dân cư Bắc Hà Thanh (dự kiến chi 511 tỷ đồng), Dự án Cadia Quy Nhơn (dự kiến chi 400 tỷ đồng), Dự án Thuận An 1 và Thuận An 2 (dự kiến chi 300 tỷ đồng)…
Trong năm ngoái, Bất động sản Phát Đạt đã huy động thành công hơn 670 tỷ đồng thông qua việc chào bán 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp này đưa dư nợ vay trái phiếu về 0 vào cuối năm 2023.
Sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 22/3, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo việc vượt kháng cự tại 1.270 điểm có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy lực mua đổ vào thị trường, tạo động lực cho VN-Index hướng lên ngưỡng cản tiếp theo tại vùng 1.285-1.290 điểm. Ở kịch bản này, chỉ số sẽ có 3 phiên tăng liên tiếp và tạo ra động lực chốt lời ngắn hạn tại kháng cự. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ rung lắc, giằng co tại vùng 1.285-1.290 sẽ diễn ra mạnh và có thể dẫn tới những nhịp điều chỉnh giảm. Hỗ trợ MA5 của chỉ số đang nằm tại 1.260 điểm.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cho rằng với hiệu ứng dòng tiền lan tỏa tương đối tốt từ 20/03, dòng tiền mua lên nhập cuộc trong phiên chiều tương đối tốt. Chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất phiên và cũng là vùng chỉ số cao nhất trước đó. Thanh khoản thị trường gia tăng tương đối tốt với độ rộng thị trường lan tỏa với sắc xanh áp đảo toàn thị trường.
Chỉ số sẽ tiếp tục rung lắc trên đà lên và quá trình vượt đỉnh sẽ diễn ra luân phiên giữ nhịp của các nhóm cổ phiếu với vùng cân bằng 1.242-1.262 sẽ trở thành vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên kế tiếp, nhưng đà tăng có thể duy trì. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.268-1.270 điểm trong vài phiên tới.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng manh cho thấy các nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn với diễn biến thị trường và cơ hội mua mới vẫn còn khi rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp mặc dù các chỉ số đã tăng cao trong những phiên gần đây.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) lưu ý về rủi ro đảo chiều xu hướng khi chỉ số tiếp cận vùng cản kế tiếp tại quanh 1.300 (+/-10). Rủi ro này cần được chú ý nếu chỉ số tăng vượt đỉnh nhưng khối lượng giao dịch của thị trường lại không tăng tương ứng hoặc xuất hiện thêm những phiên bulltrap, phân phối mạnh.