Trong phiên giao dịch ngày 31/5, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến rung lắc. VN-Index có phần lớn thời gian nằm trên tham chiếu, có lúc kiểm tra lại mốc 1.270 điểm, chủ yếu nhờ cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhưng kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 4,6 điểm để đóng cửa ở mức 1.261,72 điểm, đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của VN-Index. Cùng với đà giảm về điểm số, thanh khoản sàn HoSE cũng giảm mạnh tới 27,5%, về còn 18.700 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index ghi nhận giảm 0,92 điểm để đóng cửa ở mức 243,09 điểm. Chỉ số Upcom-Index tăng nhẹ 0,08 điểm để đóng cửa ở mức 95,88 điểm.
Trong ngày chỉ số VN-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp, mã cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt do đại gia Doãn Tới giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc lại có phiên giao dịch tích cực với mức tăng gần 5% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 33.800đ/cổ phiếu. Cùng với đà tăng mạnh về giá, thanh khoản của ANV cũng tăng gần gấp 3 lần so với phiên liền trước với hơn 4,12 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch hơn 137 tỷ đồng.
Tài sản đại gia Doãn Tới vượt mốc 2.400 tỷ đồng nhờ đà tăng cổ phiếu đang nắm giữ
Trong ngày cổ phiếu ANV tăng mạnh, khối tài sản của đại gia Doãn Tới cũng ghi nhận tăng thêm gần 115 tỷ đồng nhờ đang trực tiếp nắm giữ hơn 71,8 triệu cổ phiếu doanh nghiệp mình giữ vị trí Tổng giám đốc. Tính theo giá thị trường, đại gia 70 tuổi ngươi Thanh Hóa đang nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 2.427 tỷ đồng.
Cổ phiếu ANV tăng mạnh dù kết quả kinh doanh trong quý 1 của doanh nghiệp không mấy khả quan. Theo báo cáo tài chính quý 1/2024 mới được doanh nghiệp công bố, trong 3 tháng đầu năm, ANV ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.026 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,6% xuống còn 10%.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Thủy sản Nam Việt thu về 17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Thủy sản Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến cao gấp 8 lần, đạt 306 tỷ đồng. Như vậy, trong quý 1/2024, Thủy sản Nam Việt đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 5,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Tính đến hết Quý 1/2024, tổng tài sản của Nam Việt đạt 5.062 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó lượng tiền mặt hiện chỉ ghi nhận 41 tỷ đồng cùng khoản tiền gửi 63 tỷ cho thấy tài sản của Nam Việt đang có dấu hiệu kém linh động.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho đang chiếm tới 2.309 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho hiện chiếm 17 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, Nam Việt đang đi vay ngắn hạn 1.754 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 173 tỷ. Nguồn vốn chủ sở hữu cũng đang chiếm 2.865 tỷ đồng.
Sau chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia của công ty chứng khoán SSI nhận định VN-Index điều chỉnh trong biên hẹp và giữ trên vùng 1.253 điểm. Tín hiệu kỹ thuật RSI và ADX vẫn ở mức trung tính yếu cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn chưa hoàn thành. Do đó, khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục giảm nhẹ hướng về vùng 1.248 điểm.
Chuyên gia công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thị trường hiện vẫn duy trì được biên độ sideway (đi ngang), nhưng dòng tiền chưa thực sự vận động nhất quán, nên xác suất điều chỉnh rung lắc bất ngờ có thể xảy ra.
Nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ tư duy phòng thủ, có phương án hành động kịp thời nếu rung lắc bất chợt diễn ra. Theo VCBS, nên hạn chế giải ngân ở thời điểm hiện tại và kiên nhẫn chờ những tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn của thị trường.
Chuyên gia công ty chứng khoán SHS nhận định VN-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm. Điểm tích cực là lực cầu vẫn gia tăng khá tốt ở vùng giá 1.250 điểm khi có nhiều mã/nhóm mã phục hồi mạnh với kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quí II/2024 tăng trưởng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng ở mức trung bình và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ trong các phiên tới. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, nếu tỉ trọng thấp vẫn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong cuối năm.