Đặc phái viên Trung Quốc nói về triển vọng hòa bình ở Ukraine sau 12 ngày thăm châu Âu

Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu nói “có những khó khăn” để đưa tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine vẫn là điều có thể xảy ra.

Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, Li Hui trả lời các phóng viên ở Bắc Kinh hôm 2/6

Trả lời tại Bắc Kinh hôm 2/6, sau 12 ngày thăm châu Âu, đặc phái viên Li Hui nói với các phóng viên rằng, vẫn “còn những điều bất định”, khi cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài 16 tháng. Nhưng ông Li nói Trung Quốc sẵn sàng gửi thêm phái đoàn trong tương lai.

“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy trong tình hình hiện nay, khó để các bên cùng ngồi lại đàm phán hướng tới kết quả”, ông Li nói. “Nhưng miễn là còn một tia hi vọng cho hòa bình, chúng ta nên tích cực hướng tới”.

“Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì có lợi để giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy đàm phán,” ông nói thêm.

Tháng trước, ông Li đã gặp các quan chức nước sở tại ở Ukraine, Nga, Ba Lan, Pháp, Đức và Bỉ, khẳng định lập trường của Trung Quốc là thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Ông Li là nhà ngoại giao mang hàm thứ trưởng và là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, theo SCMP.

Hồi tháng 2, Trung Quốc đã công bố đề xuất hòa bình gồm 12 điểm để thúc đẩy các bên ngừng bắn, hướng tới đàm phán hòa bình.

Ông Li nói tất cả các bên đều hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc để giải quyết xung đột. Ông Li cũng nhận thấy Nga và Ukraine đều mong muốn tìm kiếm tiếng nói chung, chẳng hạn như một giải pháp chính trị.

“Ấn tượng của tôi là không bên nào đóng cánh cửa hòa bình”, ông Li nói.

Ông Li cũng bày tỏ quan ngại về rủi ro ở các cơ sở hạt nhân gần vùng chiến sự, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông Li nói nếu có thảm họa hạt nhân xảy ra, “không có quốc gia nào là không bị ảnh hưởng”.

“Tất cả các bên cần gánh vác trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân và có hành động cụ thể để hạ nhiệt tình hình”, ông Li nói.

Nói về 12 ngày thăm các nước châu Âu, ông Li đề cập đến hành trình “không mấy thuận tiện” vì các nước châu Âu hạn chế các chuyến bay qua không phận Nga, cũng như sự phức tạp khi tới một quốc gia đang có chiến sự như Ukraine.

Ở giai đoạn đầu chuyến thăm, ông Li bay từ Bắc Kinh tới Warsaw (Ba Lan), quá cảnh ở Dubai. Ông Li sau đó đi xe tới biên giới Ba Lan – Ukraine và lên tàu để tới Kiev.

Sau khi gặp gỡ các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), ông Li đáp máy bay tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó mới có máy bay tới Moscow, gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Nhật Minh - SCMP

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN