Ông Mike Waltz, Cố vấn An ninh Quốc gia được ông Trump chọn trong chính quyền Mỹ sắp tới. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn của Fox News, ông Waltz được hỏi về chiến lược của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump trong vấn đề đảo Greenland – lãnh thổ thuộc quốc gia châu Âu là Đan Mạch.
“Vấn đề không chỉ là đảo Greenland mà còn là ảnh hưởng của Mỹ ở Bắc Cực. Nga đang muốn trở thành quốc gia thống trị Bắc Cực với hơn 60 tàu phá băng cỡ lớn, một số chạy bằng năng lượng hạt nhân”, ông Waltz nói. “Chúng ta thực tế chỉ có 2 tàu tương tự, một chiếc gần đây còn mới bị cháy”.
“Một yếu tố quan trọng khác là nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Một khi băng tan đến mức phù hợp để khai thác, nhiều quốc gia sẽ nhòm ngó. Trung Quốc hiện đang cho ra mắt các tàu phá băng mới và cũng đẩy mạnh hiện diện ở đó. Đó là an ninh quốc gia của Mỹ. Đó là nguồn tài nguyên quan trọng”, ông Waltz nói thêm.
Trong vài tuần qua, ông Trump nêu ý tưởng Mỹ mua lại đảo Greenland – vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Người dân đảo Greenland từ lâu đã muốn độc lập khỏi Đan Mạch nhưng tỏ ra thận trọng về khả năng sáp nhập vào Mỹ.
Đầu tuần này, ông Trump đăng hình ảnh con trai đặt chân tới Greenland bằng máy bay riêng. “Donald Trump Jr. và các cộng sự của tôi hạ cánh xuống Greenland. Sự đón tiếp rất tuyệt. Một thỏa thuận phải xảy ra. Hãy làm cho Greenland vĩ đại trở lại”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông Waltz cũng mô tả “Đan Mạch là quốc gia đồng minh tuyệt vời nhưng vị trí đảo Greenland đặc biệt quan trọng với Mỹ”.
“Nhiều đời tổng thống Mỹ đã cố gắng vươn tầm kiểm soát của Mỹ tới hòn đảo”, ông Waltz nói. Ngược lại, đảo Greenland nằm cách xa Đan Mạch hơn 2.000km.
Hôm 7,1 ông Trump cũng không loại trừ khả năng kiểm soát Greenland bằng biện pháp quân sự. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác, đã đưa ra cảnh báo ông Trump, lập luận rằng phương Tây cần duy trì nguyên tắc từ sau Thế chiến 2. Đó là “không thay đổi biên giới các quốc gia bằng vũ lực”.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen hôm 8/1 ghi nhận mong muốn độc lập của Greenland, nhưng không chấp nhận hòn đảo sáp nhập vào Mỹ, tờ The Hill đưa tin.