Ông Trump xuất hiện cùng gia đình sau khi chiến thắng bầu cử. Ảnh: Reuters.
Trong bối cảnh thế giới đón nhận thực tế về nhiệm kỳ hai của ông Trump, những đặc điểm cốt lõi trong cách ông tiếp cận các vấn đề quốc tế đang ngày càng được quan tâm.
Chính sách của Trump luôn mang tính giao dịch, dựa trên mối quan hệ cá nhân và khó đoán. Phương pháp tiếp cận này trong suốt 4 năm đầu đã để lại sự mệt mỏi và căng thẳng cho cả các nhà lãnh đạo nước ngoài lẫn các cố vấn an ninh quốc gia dày dạn của Mỹ. Không có dấu hiệu nào trong chiến dịch tranh cử của Trump cho thấy ông sẽ thay đổi phong cách này, theo CNN.
Tuy nhiên, hiện nay thế giới đang ở trong tình trạng mà Trump mô tả là "cháy rực", và ông đã hứa sẽ "dập tắt các ngọn lửa đó”.
Ông tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ và mang lại hòa bình cho Trung Đông, đồng thời kiềm chế các đối thủ của Mỹ như Triều Tiên và Iran. Song song đó, ông Trump cũng hứa sẽ áp đặt các loại thuế mới lên Trung Quốc, đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh trong NATO.
Phương pháp cụ thể mà ông Trump sẽ sử dụng để đạt được những mục tiêu trên vẫn còn là ẩn số, vì trong quá trình vận động tranh cử, ông không cung cấp chi tiết về các kế hoạch.
Sự trở lại của Trump trên trường quốc tế được xem là một yếu tố khó đoán trong bối cảnh thế giới đã đầy bất ổn, và khiến các lãnh đạo ngoại quốc vừa hồi hộp chờ đợi, vừa tìm cách tiếp cận ông.
Các nhà lãnh đạo thế giới tìm gặp ông Trump
Trước khi chiến thắng của ông Trump được công bố chính thức, nhiều nhà lãnh đạo đã viết lời chúc mừng trên mạng xã hội X. Trong số đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một người bạn lâu năm của Trump, là người đầu tiên gửi lời chúc và còn gọi điện chúc mừng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng có mối quan hệ căng thẳng với Trump trong nhiệm kỳ đầu, cũng đã nhanh chóng gọi điện. Điện Élysée thông báo về cuộc điện đàm, khẳng định rằng Macron là “một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên liên lạc với Trump,” và hai bên đã có “một cuộc trò chuyện rất ấm áp, dựa trên mối quan hệ bền vững”.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman – người bị CIA kết luận có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 – cũng đã gọi điện để “khẳng định lại mối quan hệ lịch sử” giữa hai quốc gia. Tân tổng thư ký NATO, Mark Rutte, người đã có quan hệ tốt với Trump từ khi còn là Thủ tướng Hà Lan, cho biết ông đã chúc mừng Trump từ tối thứ Ba: “Sự lãnh đạo của ông ấy sẽ lại là chìa khóa để duy trì sức mạnh của liên minh chúng ta,” ông Rutte nói đầy hi vọng.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã đến New York ngay sau chiến thắng của ông Trump vào năm 2016. Ảnh: Reuters.
Theo CNN, các lãnh đạo thế giới hiện đang gấp rút sắp xếp các cuộc gặp gỡ với Trump trong vài tháng tới, với hi vọng có thể kết nối trực tiếp trước lễ nhậm chức của ông vào tháng 1/2025. Theo các nguồn tin quen thuộc với quá trình chuẩn bị, các nhà lãnh đạo sẵn sàng xem xét mọi phương án, bao gồm việc tới tòa tháp Trump ở New York hoặc dinh thự Mar-a-Lago ở Florida. Dù chưa có kế hoạch cụ thể, những người đã gửi lời chúc mừng đều đang chờ phản hồi từ phía Trump, đồng thời tích cực liên hệ với những người thân cận của ông để sớm kết nối.
Nhiều nhà lãnh đạo đang dựa vào kinh nghiệm của họ với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, khi những lời tán dương và sự chú ý cá nhân thường mang lại kết quả tốt. Một nhà ngoại giao nước ngoài cho biết, hiện nay các lãnh đạo có hiểu biết rõ hơn về Trump so với năm 2016, và đó là lý do họ đồng loạt gửi lời chúc mừng ngay cả trước khi kết quả cuộc bầu cử được công bố chính thức.
Nhà ngoại giao này nhắc lại ví dụ từ cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã đến New York ngay sau chiến thắng của ông Trump vào năm 2016 và tặng ông một bộ gậy golf mạ vàng như một món quà chúc mừng.
Nhiệm kỳ hai của ông Trump sẽ rất khác biệt
Theo các chuyên gia, nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể rất khác biệt, với các cố vấn sẵn sàng đi xa hơn trong việc thực hiện các chỉ đạo của ông. Những người từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên mô tả rằng Trump có cách tiếp cận chính sách đối ngoại "không ràng buộc vào quy trình”. Ông Trump thường ra chính sách một cách ngẫu hứng, đôi khi dựa trên những cuộc trò chuyện mà các cố vấn chỉ biết sau đó và thông báo các quyết định của mình trên mạng xã hội.
Điều này không ít lần đã dẫn đến các cuộc họp căng thẳng, các cuộc tranh cãi hoặc các vấn đề khó xử khi cấp dưới phải giải thích cho ông Trump lý do tại sao các quyết định của ông không thể thực hiện được.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều khả năng sẽ tái xuất trong chính quyền mới của ông Trump.
Bộ máy chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ tới được dự báo sẽ kết hợp những gương mặt cũ và những người mới mang tính khác biệt hơn, rất có thể bao gồm tỷ phú Elon Musk. Một số nhân vật kỳ cựu có thể sẽ quay trở lại gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu cố vấn an ninh quốc gia, tướng Keith Kellogg.
Theo CNN, những người được Trump lựa chọn vào các vị trí an ninh quốc gia quan trọng sẽ quyết định lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là đối với Ukraine.
Giám đốc cấp cao của Trung tâm Âu-Á thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Khó có thể dự đoán chính sách của Trump đối với cuộc xung đột ở Ukraine vì đội ngũ của ông bao gồm những người có quan điểm rất khác nhau. Một nhóm chủ trương giảm mạnh viện trợ cho Ukraine – quan điểm mà nhiều người liên hệ với Trump”.
Herbst tiếp tục: “Nhóm còn lại nhận thức rõ mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở châu Âu và các nơi khác nếu Washington từ bỏ Ukraine. Nhóm này sẽ theo đuổi chính sách hòa bình thông qua sức mạnh và không bị đe dọa bởi những lời cảnh báo hạt nhân từ Nga”.
“Những manh mối đầu tiên về chính sách của ông Trump sẽ đến từ các lựa chọn bổ nhiệm của ông vào các vị trí an ninh quốc gia”, ông Herbst kết luận.