"Chợ xám" bùng nổ ở Trung Quốc khiến các ông lớn "toát mồ hôi hột"

Sự phát triển của thị trường chợ xám này đang gây áp lực lớn đến lĩnh vực hàng xa xỉ toàn cầu.

Tại một cửa hàng Burberry ở trung tâm Thượng Hải, Trung Quốc, chiếc khăn caro đặc trưng của hãng được bán với giá 4.800 Nhân dân tệ (khoảng 678 USD). Nhưng khi tải ứng dụng "chợ xám" DeWu, đăng hình ảnh chiếc khăn và tìm kiếm, bạn sẽ thấy sản phẩm y hệt với giá chỉ 2.939 Nhân dân tệ, tức là chỉ bằng hơn một nửa.

Tương tự, trong trung tâm thương mại, một chiếc áo khoác Coach có giá 4.400 Nhân dân tệ và chiếc mũ Prada có giá 6.150 Nhân dân tệ. Nhưng trên DeWu, chúng được bán với giá lần lượt là 3.499 và 4.939 Nhân dân tệ.

Một nhân viên bán hàng nhìn ảnh sản phẩm và ái ngại nói: "Mình không thể đảm bảo đây là hàng thật". Một người khác xen vào: "DeWu à... nói sao nhỉ, tất nhiên là rẻ hơn rồi".

"Chợ xám" DeWu

"Chợ xám" bùng nổ khi người dân Trung Quốc thắt chặt chi tiêu

Thị trường xám (hay còn gọi là "grey market") là thị trường nơi các sản phẩm hợp pháp được bán lại nhưng không thông qua các kênh phân phối chính thức của nhà sản xuất. Điều này thường xảy ra khi hàng hóa được nhập khẩu từ một quốc gia khác và bán với giá rẻ hơn so với các cửa hàng chính hãng, nhờ vào việc bỏ qua các quy định về thuế, chi phí vận chuyển hoặc chênh lệch tỷ giá.

DeWu, được thành lập vào năm 2015 bởi tỷ phú Dương Binh người Giang Tây, Trung Quốc, ban đầu là một nền tảng mua và bán giày thể thao, nhưng hiện đã trở thành trung tâm của thị trường xám xa xỉ tại Trung Quốc. Tại đây, các sản phẩm mua từ nước ngoài được bán lại với giá thấp hơn nhiều so với cửa hàng chính hãng.

Jacques Roizen, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Digital Luxury Group tại Thượng Hải ước tính, hơn 70% doanh thu tại thị trường chợ xám Trung Quốc đều đến từ các thương hiệu lớn trên DeWu.

DeWu, được nhóm nghiên cứu Hurun định giá 10 tỷ USD vào năm ngoái, cho phép bất kỳ ai lập tài khoản bán hàng mà không cần thông qua các thương hiệu. Công ty này có quy trình xác thực hàng hóa đáng tin cậy, đến mức trở thành thước đo tiêu chuẩn cho thị trường phi chính thức ở Trung Quốc.

Theo truyền thông địa phương, ứng dụng này đã đạt 350 triệu lượt tải xuống tại Trung Quốc. Công ty Re-Hub, chuyên về thông tin hàng xa xỉ, đã phân tích các giao dịch trên DeWu và ước tính doanh số của 48 thương hiệu tại đây tăng 19% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 7 tỷ Nhân dân tệ.

Thomas Piachaud, giám đốc chiến lược tại Re-Hub, cho biết: "Điều này cho thấy doanh thu từ thị trường xám chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu của các thương hiệu tại Trung Quốc trong năm 2024 so với năm 2023". Ông cũng nhấn mạnh, mức tăng trưởng này vượt xa các báo cáo về tăng trưởng quý 1 và quý 2 của nhiều thương hiệu tại Trung Quốc và toàn cầu.

Hầu hết các thương hiệu xa xỉ không làm việc trực tiếp với DeWu. Tuy nhiên, các bên thứ ba có thể mua hàng ở nước ngoài, đặc biệt thông qua các kênh bán buôn tại Úc hoặc Hàn Quốc, sau đó đưa về Trung Quốc, nơi giá cả thường cao hơn do thuế.

Piachaud cho biết có nhiều đường dẫn hàng về nước, từ "một lối đi bí mật trong nhà máy" cho đến "quan hệ trực tiếp với nhóm bán buôn của các thương hiệu".

Trước đây, việc mua bán này được gọi là daigou (mua hộ), chủ yếu thông qua các nhóm WeChat nhỏ. Nhưng gần đây, có sự chuyển hướng rõ rệt sang các công ty khởi nghiệp và tập đoàn lớn, theo HSBC Erwan Rambourg.

Các ông lớn hàng xa xỉ chật vật để cạnh tranh

Các ông lớn ngày càng chật vật để cạnh tranh

Sự phát triển của DeWu còn cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nhạy cảm về giá cả. Sự phát triển của thị trường chợ xám này đang gây áp lực lớn đến lĩnh vực hàng xa xỉ toàn cầu. Trong thập kỷ qua, người tiêu dùng Trung Quốc là một động lực lớn đối với đà tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ nhưng hiện tại trong bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn, người dân bắt đầu ưu tiên săn hàng giá hời thay vì mua sắm tại các trung tâm thương mại hay cửa hàng chính hãng. Trong khi đó, doanh số hàng hiệu giảm trên toàn cầu cũng làm gia tăng lượng hàng hoá từ nước ngoài chuyển vào Trung Quốc qua các kênh không chính thức.

Theo Reuters, LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, vừa báo cáo doanh số bán hàng quý giảm 3% trong tuần qua, thấp hơn dự báo, đánh dấu lần đầu tiên doanh thu giảm theo quý kể từ khi đại dịch xảy ra, do nhu cầu tại Trung Quốc và Nhật Bản suy yếu.

Salvatore Ferragamo của Ý cũng cho biết doanh thu quý của hãng giảm vì nhu cầu tại Trung Quốc đang giảm dần.

Doanh số tại Burberry và Kering, tập đoàn sở hữu Gucci và Saint Laurent, giảm hơn 20% và 30% trong nửa đầu năm, theo Barclays, tạo áp lực buộc các nhà bán lẻ phải xử lý hàng tồn kho dư thừa.

Max Piero, Giám đốc điều hành công ty tư vấn thông tin hàng xa xỉ Re-Hub, đơn vị theo dõi hoạt động mua sắm hàng xa xỉ trên thị trường chợ đen ở Trung Quốc, cho biết: "Vấn đề nằm ở chỗ, ở Trung Quốc, miễn là còn chênh lệch giá cả giữa nội địa và quốc tế, người tiêu dùng nhạy cảm về giá vẫn sẽ tìm đến thị trường chợ đen".

"Đang có một lượng lớn hàng tồn kho dư thừa và hàng giảm giá đang đổ về Trung Quốc,” một giám đốc trong ngành xa xỉ tại Trung Quốc cho biết. Phần lớn lượng hàng này đến từ Hải Nam, Nhật Bản do đồng yên yếu, cùng với các tuyến đường chợ đen truyền thống như Ý và Trung Đông.

Những thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Louis Vuitton, Hermès và Chanel kiểm soát chặt chẽ mạng lưới phân phối, hầu như không bán buôn. 

"Louis Vuitton chỉ bán tại cửa hàng hoặc trang web chính thức," thương hiệu này khẳng định, đồng thời cho biết họ không bao giờ giảm giá sản phẩm. “Những mặt hàng giảm giá trên web chắc chắn là hàng giả.”

Năm ngoái, Bernard Arnault, giám đốc điều hành LVMH, cho biết công ty của ông đang "chiến đấu chống lại việc xuất khẩu song song" một thuật ngữ ám chỉ các kênh thị trường xám.

Trên thực tế, tập đoàn Kering cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào kênh bán buôn toàn cầu, nhưng đối với nhiều thương hiệu khác, bán buôn vẫn là phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Với những thương hiệu có mạng lưới bán buôn lớn và ít được kiểm soát, doanh số qua các nền tảng thị trường xám có thể chiếm 60-70% hoặc hơn tổng doanh số của họ tại Trung Quốc, theo Bain.

Tại Trung Quốc, DeWu đang liên hệ trực tiếp với các thương hiệu để khuyến khích họ mở cửa hàng chính thức trên nền tảng này, dù rất ít thương hiệu đồng ý.

Trên ứng dụng DeWu, các mặt hàng được hiển thị với giá thấp nhất. Những sản phẩm có đầy đủ hộp gốc được bán với giá cao hơn. Người bán được xác định bằng một chuỗi số dài và tên thành phố nơi họ sinh sống.

Tại trung tâm thương mại Thượng Hải, vào một chiều trong tuần trước kỳ nghỉ Quốc khánh, hầu như không có vị khách nào lui các cửa hàng. Trong khi đó, trên DeWu, khăn choàng Burberry vẫn rất được ưa chuộng, với danh sách dài các giao dịch gần đây.

Một người đang livestream bán hàng hiệu cũ tại ứng dụng hàng xa xỉ cũ ZZER ở Thượng Hải, Trung Quốc

Thị trường hàng xa xỉ second-hand cũng phát triển thần tốc

Thị trường đồ cũ ở Trung Quốc đang phát triển thần tốc bởi tình hình kinh tế chậm lại, khi ngày càng có nhiều người muốn bán đi bộ sưu tập hàng xa xỉ của mình để kiếm tiền.

"Số lượng người bán đang tăng nhanh và đa số lần đầu tiên bán các mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, số lượng người mua vẫn khá ổn định," Zhu Tainiqi, nhà sáng lập thị trường hàng xa xỉ cũ ZZER, cho biết.

Ông Zhu cho biết điều này khiến giá mua trung bình giảm so với năm ngoái và giá trị đơn hàng trung bình cũng giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, các thương hiệu như Louis Vuitton và Coach vẫn bán chạy.

Theo ước tính từ công ty tư vấn iResearch, thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng tại Trung Quốc - bao gồm các nền tảng như Plum, ZZER và Xianyu (thuộc sở hữu của Alibaba) - đã tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm hơn 30% từ năm 2020. Ông Zhu dự đoán ngành này có thể tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay.

Ông Zhu cũng nhận định một số người tiêu dùng chuyển sang mua hàng cũ và hàng chợ xám vẫn tiếp tục mua hàng xa xỉ mới, nhưng chỉ phân bổ một phần nhu cầu của họ sang các thị trường đó.

"Nếu có một giao dịch thực sự hấp dẫn, người tiêu dùng tin tưởng chúng tôi, họ thấy rằng mọi món hàng đều được xác thực, thì họ sẽ mua," ông Zhu nói thêm.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN