
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay các binh sĩ quân đội Đức trong chuyến thăm Berlin vào tháng 6/2024. Ảnh: Reuters.
Trong bài viết đăng tải gần đây, tạp chí The Economist của Anh trích dẫn hàng loạt động thái cho thấy chính quyền ông Trump đang từng bước rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ đã rút lực lượng quân sự khỏi căn cứ then chốt ở Rzeszow (Ba Lan), cắt giảm sự hiện diện trong Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine – còn gọi là “định dạng Ramstein” – và áp mức thuế 10% cơ bản lên hàng hóa Ukraine, trong khi không có động thái tương tự với Nga.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi lập trường, theo The Economist, là việc các quan chức Lầu Năm Góc gần đây đã chất vấn một đồng minh lý do vì sao các nước này vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) thông báo mức viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng trị giá lên tới 23 tỷ euro (tương đương khoảng 26,1 tỷ USD) trong năm 2025. Đây là mức tăng so với những năm trước.
Châu Âu cũng ưu tiên gửi tên lửa phòng không và các vũ khí cấp thiết được Ukraine sử dụng ở tiền tuyến, đặc biệt là trong giao tranh ở cự ly gần, như máy bay không người lái (UAV).
Theo The Economist, nhiều nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng đội ngũ của ông Trump tỏ ra "mệt mỏi" trước việc châu Âu không ngừng thúc đẩy hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
"Như thường thấy với một chính quyền hỗn loạn như vậy, thật khó để phân biệt đâu là thông điệp thực sự và đâu chỉ là đánh tiếng", tờ The Economist bình luận.
Theo báo Anh, Hiện tại, châu Âu đang triển khai chiến lược theo hai hướng rõ rệt. Hướng thứ nhất là nỗ lực của Anh và Pháp nhằm thành lập một “lực lượng trấn an châu Âu” để giúp Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Nga phản đối việc triển khai lực lượng này, ngay cả khi Mỹ chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc sẽ ủng hộ kế hoạch của châu Âu.
Châu Âu hi vọng thông qua kế hoạch này, họ có thể chứng minh với ông Trump rằng lục địa già đang chủ động gánh vác trách nhiệm an ninh khu vực.
Hướng thứ hai là tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine từ châu Âu. Ông David Shimer, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhận định rằng không còn thời gian để chờ đợi.
"Với việc Nga quyết tâm theo đuổi xung đột và Mỹ có vẻ đang đứng ngoài cuộc, Ukraine sẽ phải tiếp tục chiến đấu bằng mọi giá”, ông Shimer nhấn mạnh.
Đầu tuần này, ông Trump một lần nữa khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine là “cuộc xung đột của người tiền nhiệm Joe Biden, không phải của tôi”.