Cầu thủ làm dấu tay "lạ" khi ăn mừng tại Euro 2024: Đức làm căng với Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Đức yêu cầu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ giải thích cử chỉ ăn mừng gây tranh cãi của cầu thủ Merih Demiral và đề nghị nước này có biện pháp ngăn chặn trường hợp tương tự lặp lại.

Hậu vệ Merih Demiral gây tranh cãi với cử chỉ ăn mừng theo kiểu của tổ chức dân tộc cực đoan.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Basar Sen hôm 4/7 đã bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Đức sau khi cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ Merih Demiral có cử chỉ ăn mừng tại Euro 2024 theo kiểu của một tổ chức dân tộc cực đoan.

Theo báo Anh Guardian, Đức yêu cầu Đại sứ Ahmet Basar Sen giải thích hành động của cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ có biện pháp ngăn chặn trường hợp tương tự lặp lại.

Trước đó một ngày, Đại sứ Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị triệu tập. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Đức "kỳ thị người nước ngoài".

Hôm 2/7, hậu vệ Thổ Nhĩ Kỳ Merih Demiral là người lập cú đúp trong chiến thắng 2-1 trước Áo ở vòng 1/8 Euro 2024. Với chiến thắng này, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 8 đội bóng lọt vào vòng tứ kết.

Sau khi ghi bàn thắng thứ hai, Demiral ăn mừng bằng cách giơ hai tay lên trời, ngón cái và hai ngón giữa chụm vào nhau. Cử chỉ này giống với kiểu chào của tổ chức Sói Xám, nhóm cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sói Xám là lực lượng bán quân sự của đảng Phong trào Dân tộc theo đường lối cực hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đảng đứng thứ 4 trong số các chính đảng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở Đức, tổ chức Sói Xám có 18.500 - 20.000 thành viên và là tổ chức cực hữu lớn thứ hai ở nước này. Tuy vậy, Sói Xám và kiểu chào của các thành viên tổ chức này không bị cấm ở Đức. Áo và Pháp là hai quốc gia đã ban hành lệnh cấm tổ chức dân tộc cực đoan Sói Xám. Bất cứ ai có hành động mô phỏng lại kiểu chào của tổ chức này đều sẽ bị phạt nặng.

Đức là quốc gia có động đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống đông đảo với 1,54 triệu người, bên cạnh 1,4 triệu công dân Đức là người gốc Thổ. Với việc lọt vào tứ kết, đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đang được cộng đồng người Thổ ở Đức ủng hộ nồng nhiệt.

Kiểu chào của tổ chức Sói Xám rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã lên án hành động ăn mừng gây tranh cãi của hậu vệ Thổ Nhĩ Kỳ Merih Demiral. "Lợi dụng giải vô địch bóng đá để kích động cực đoan là điều không thể chấp nhận được".

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thay đổi kế hoạch công du Azerbaijan để tới Đức xem đội nhà thi đấu trận bán kết trước Hà Lan vào tối ngày 6/7. Theo nguồn tin giấu tên, ông Erdogan quyết định góp mặt để thể hiện sự ủng hộ đội tuyển trước việc chính phủ Đức bày tỏ phẫn nộ với cử chỉ ăn mừng kiểu Sói Xám của hậu vệ Merih Demiral.

Theo các chuyên gia, tổ chức dân tộc cực đoan Sói Xám có tư tưởng thù địch với người Kurd, Do Thái, Armenia, Hy Lạp, châu Âu và Mỹ. Tổ chức này từng thực hiện các hành động đẫm máu trong những năm 1970, bao gồm đánh bom ở Paris và Bangkok.

Người thành lập tổ chức, Alparslan Turkes nói: "Kiểu chào của chúng tôi nghĩa là in dấu ấn Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ lên thế giới".

Đảng Phong trào Dân tộc cực hữu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đồng minh của đảng cầm quyền do ông Erdogan lãnh đạo và được chia sẻ quyền lực.

Nói về màn ăn mừng gây tranh cãi, hậu vệ Demiral chia sẻ: "Tất nhiên là tôi rất vui khi ghi được hai bàn thắng. Cách tôi ăn mừng có liên quan đến bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ của tôi. Tôi đã thấy khán giả làm cử chỉ này. Chúng tôi đều là người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi rất tự hào khi là người Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là ý nghĩa của cử chỉ đó".

"Tôi hi vọng sẽ có thêm cơ hội để làm cử chỉ này trong tương lai. Không có thông điệp gì ẩn sau điều đó. Tôi chỉ muốn biểu lộ sự vui mừng", Demiral nói.

Nhật Minh - Guardian

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN