Các nhà bán lẻ Mỹ vội vã khuyến mãi trước khi thuế quan tăng
Từ khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế cao đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, ngành bán lẻ Mỹ đã rơi vào tình trạng báo động. Dù sau đó mức thuế được tạm thời hạ cho phần lớn quốc gia, nhưng thông tin ban đầu cũng đủ khiến các doanh nghiệp chao đảo vì không biết nên lên kế hoạch kinh doanh ra sao.
Một loạt thương hiệu như Beis, Bare Necessities, Fashion Nova hay Knix nhanh chóng biến cuộc chiến thuế quan thành công cụ tiếp thị, khuyến khích người tiêu dùng “mua ngay kẻo trễ”. Họ cảnh báo giá sẽ tăng, hàng hóa có thể thiếu hụt nếu chậm tay.
Một số doanh nghiệp đã tạm ngừng hoặc hủy đơn hàng nhập từ Trung Quốc – nơi đang đối mặt mức thuế tới 145%. Trong khi đó, các công ty có chuỗi cung ứng tại Việt Nam hay Campuchia cố gắng nhập hàng sớm để tránh bị ảnh hưởng khi mức thuế mới có hiệu lực.
Không ít thương hiệu chọn cách khuyến mãi trực tiếp, như Bare Necessities với chương trình giảm giá trước thuế tới 30%. Trong tin nhắn gửi khách hàng, thương hiệu nội y này dí dỏm: “Tuần trước còn chẳng biết đánh vần ‘tariff’, nhưng giờ thì biết chắc 30% giảm giá là quyết định đúng đắn.”
Tạm thời giảm giá dù chi phí sắp tăng có vẻ mâu thuẫn, nhưng với nhiều doanh nghiệp, đó là cách để đẩy nhanh dòng tiền trước khi sức mua lao dốc. Chuyên gia tư vấn Sonia Lapinsky cho rằng: “Việc các doanh nghiệp cố hút cầu ngay lập tức là hành động khôn ngoan. Vì nếu không, họ có thể sẽ rơi vào vực thẳm.”
Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, không có khả năng đàm phán hay xoay chuyển chuỗi cung ứng linh hoạt như các “ông lớn” như Walmart hay Target, việc tăng doanh thu ngắn hạn có thể là yếu tố sống còn.

Các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ đua nhau giảm giá trước giờ G
Tâm lý người tiêu dùng đang phản ứng thế nào trước cơn bão thuế?
Nhiều người tiêu dùng có điều kiện tài chính đã tranh thủ mua sắm sớm, nhất là các mặt hàng đắt tiền như ô tô, để tránh rủi ro giá tăng. Đó có thể là lý do một số báo cáo tiêu dùng tháng 3 khả quan hơn dự kiến.
Một số thương hiệu không đưa ra khuyến mãi cụ thể, nhưng gửi thư cho khách hàng cảnh báo giá có thể tăng. Thương hiệu vali Beis thẳng thắn gọi tình hình là “thảm họa cháy lan từ thùng rác” và thừa nhận bản thân đang “kiệt quệ tài chính.”
Trong thư, họ viết: “Giá nhập tăng và rất tiếc, giá bán sắp sửa tăng theo. Chúng tôi không biết giá mới là bao nhiêu, khi nào áp dụng – nói thật là chúng tôi cũng rối chẳng kém khách hàng.” Dù hài hước với các ý tưởng như “ăn mì gói cả công ty” hay “mở tài khoản OnlyFans để trụ lại”, thông điệp cuối cùng vẫn là: “Nếu bạn đang để ý món nào, giờ là lúc chốt đơn.”
Thuế quan vốn là chủ đề mang màu sắc chính trị và việc thể hiện quan điểm có thể khiến doanh nghiệp mất lòng khách hàng thuộc nhiều phe khác nhau. Do đó, nhiều thương hiệu chọn cách đưa yếu tố hài hước vào chiến dịch truyền thông như một giải pháp trung lập.
Giáo sư Barbara Kahn từ Trường Wharton nhận định: “Hài hước giúp gỡ bỏ màu sắc chính trị khỏi chủ đề vốn gây tranh cãi. Thay vì tranh luận đúng sai, họ chỉ đơn giản nói: ‘Có khuyến mãi đấy, tranh thủ đi.’”
Cách làm này cũng giúp thương hiệu tránh rơi vào thế phải bảo vệ các tuyên bố chính trị đã từng đưa ra trong quá khứ, đồng thời giữ được thiện cảm từ khách hàng đa dạng về tư tưởng.
Giới phân tích dự báo, nếu thuế quan tiếp tục gây biến động và người tiêu dùng ngày càng dè dặt, ngành bán lẻ Mỹ sẽ bước vào giai đoạn khó khăn thực sự. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị tổn thương nhiều nhất do thiếu phương án linh hoạt về chuỗi cung ứng.
Từ việc tạm dừng đơn hàng đến giảm giá gấp rút, các doanh nghiệp đang làm mọi cách để giữ chân người mua trong khi tương lai vẫn đầy bất ổn. Dù chiến thuật khuyến mãi trước thuế có thể giúp cứu vãn doanh thu ngắn hạn, song về lâu dài, ngành bán lẻ cần những chiến lược bền vững hơn để đối phó với biến động địa chính trị.