Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ rải bom chùm trong chiến tranh Afghanistan.
Tại một cuộc họp báo công bố quyết định cung cấp cho Ukraine bom, đạn chùm, Colin Kahl - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề về chính sách – nói “tỉ lệ bom, đạn chùm của Mỹ gặp trục trặc trong chiến đấu chỉ 2,35%”. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 30 – 40% của Nga, ông Kahl cho biết, theo tờ Insider.
“Chúng tôi cũng rất quan ngại về vấn đề nhân đạo, nhưng điều tồi tệ nhất hiện nay là khả năng Ukraine thất bại”, ông Kahl nói thêm.
Vấn đề gây quan ngại nhất khi bom, đạn chùm được sử dụng trong chiến đấu là vấn đề trục trặc. Những quả đạn không phát nổ ngay lập tức tạo ra mối đe dọa với dân thường sau chiến tranh.
Tại Lào, rải rác bom chùm Mỹ sử dụng từ những năm, hàng ngàn người đã thiệt mạng trong thời bình vì vô tình giẫm lên hoặc nhặt được bom chùm.
Báo Mỹ New York Times trích dẫn một nghiên cứu của quân đội Mỹ vào năm 2000, cho biết đạn chùm M42/46 được phóng từ các hệ thống pháo có tỉ lệ trục trặc 14%.
Một nghiên cứu năm 2022 do Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ thực hiện, cho thấy tỉ lệ bom, đạn chùm của Mỹ gặp trục trặc trong điều kiện chiến đấu thực tế là từ 10 – 30%. Tỉ lệ này được thống kê trong quá trình rà phá bom mìn sau chiến tranh, nghĩa là trong số 10 quả bom, đạn chùm tách ra từ bom mẹ, có tới 3/10 quả không phát nổ.
Phản hồi trước các số liệu trên, quân đội Mỹ khẳng định bom, đạn chùm cung cấp cho Ukraine sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tỉ lệ trục trặc chỉ 2,35%. Nhưng dù vậy, vẫn có sự chênh lệch giữa con số trên lý thuyết và trong điều kiện chiến đấu thực tế, theo tờ Insider.
Trả lời trên đài CNN hôm 6/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói quyết định cung cấp cho Ukraine bom, đạn chùm là “điều khó khăn” nhưng cần thiết vì không còn giải pháp phù hợp hơn.
“Đây là cuộc xung đột tiêu hao một lượng lớn đạn dược”, ông Biden nói. “Ukraine đang rất thiếu đạn pháo”.