Bỏ túi cả trăm tỷ đồng, tài sản đại gia 53 tuổi người Hà Nội vượt 3.870 tỷ đồng

Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia 53 tuổi người Hà Nội này vẫn tăng thêm hàng trăm tỷ đồng để vượt mốc 3.870 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch ngày 22/7 khi có thời điểm giảm gần 20 điểm. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 10,14 điểm (0,8%) xuống 1.254,64 điểm. VN30-Index hạ hơn 3 điểm nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm quanh ngưỡng 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 24.000 tỷ đồng, riêng sàn HoSE là trên 21.115 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ đồng so với phiên trước. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 410 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest do đại gia 53 tuổi người Hà Nội, Tô Như Toàn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị lại có phiên giao dịch tích cực ghi nhận mức tăng 3,90% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 64.000đ/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã cổ phiếu này trong những phiên giao dịch gần đây. Cùng với đà tăng giá thanh khoản của VPI cũng tích cực với hơn 1,34 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch đạt hơn 83 tỷ đồng.

Đại gia Tô Như Toàn vẫn bỏ túi cả trăm tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán giảm mạnh

Cổ phiếu VPI tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 là ngày 26/7. Theo đó, VPI sẽ phát hành 48.399.923 cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện 10:2 (10 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu phát hành mới). Qua đó, tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VPI sẽ được nâng từ gần 242 triệu cổ phiếu lên hơn 290 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ gần 2.904 tỷ đồng.

Đà tăng mạnh của cổ phiếu VPI trong phiên giao dịch ngày 22/7 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông. Mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Tô Như Toàn ghi nhận tăng thêm hơn 145 tỷ đồng khi đại gia người Hà Nội đang trực tiếp nắm giữ 60,5 triệu cổ phiếu doanh nghiệp mình làm lãnh đạo. Tính theo giá thị trường khối tài sản đại gia 53 tuổi đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 3.872 tỷ đồng.

Sau phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 23/7 chuyên gia CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định nhiều khả năng quán tính điều chỉnh chưa sớm kết thúc và tâm lý tiêu cực vẫn đang chi phối hầu hết giao dịch, tuy nhiên lực đỡ từ nhóm cổ phiếu trụ vẫn đang đóng vai trò giữ vững xu hướng tăng cho chỉ số. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị nắm giữ tỷ trọng thấp và kết hợp mua trading quay vòng thêm 1 phần tỷ trọng gối đầu tại các vùng hỗ trợ.

Chuyên gia công ty chứng khoán SSI đánh giá VN-Index dù tiếp diễn xu hướng giảm nhưng đã ghi nhận phản ứng tích cực với vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.240 - 1.245 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX giữ tín hiệu yếu cho thấy nhịp điều chỉnh ngắn hạn có thể mở rộng. Dự kiến chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục hướng về vùng 1.238 điểm.

Chuyên gia CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang giao dịch sideway với biên độ rộng 1.250-1.300 điểm. Áp lực bán vẫn tiếp diễn khiến cho 2 chỉ báo MACD và RSI hướng xuống và chưa cho tín hiệu hình thành đáy. Tuy nhiên, việc CMF hướng lên thể hiện dòng tiền bắt đáy đã tham gia trở lại tại khu vực 1.250 và có thể nhận định vùng điểm này hiện vẫn đang là hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Ở khung đồ thị ngày, hầu hết các chỉ báo đều ở vùng thấp và cho tín hiệu tạo đáy nên xác suất cao áp lực bán sẽ chững lại và VN-Index sẽ có những phiên tăng giảm đan xen tích luỹ trở lại tại khu vực 1.250-1.260 điểm.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động cơ cấu lại tài khoản, bán giảm những mã đã rơi xuống dưới vùng hỗ trợ, duy trì tỷ trọng chứng khoán không quá 50% tài khoản để quản trị tối đa rủi ro ngắn hạn. Thị trường vẫn đang được đánh giá vận động sideway và chưa quá tiêu cực, VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm ổn định lại mặt bằng giá mới đi kèm với sự phân hoá rõ nét hơn giữa các cổ phiếu.  

Chuyên gia CTCK Asean (Aseansc) khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc giải ngân trong giai đoạn này, tập trung vào các cơ hội  đã chiết khấu và có kỳ vọng về KQKD quý 2 tích cực với vùng quản trị rủi ro là 1.220 điểm. Trong khi đó, chuyên gia CTCK BIDV (BSC) đánh giá thị trường đang tiến gần về vùng 1.240 đây là vùng hỗ trợ mạnh, các nhà đầu tư vẫn duy trì quan sát và thận trọng giao dịch tại khu vực này.

Hoàng Nam

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN