Bộ trưởng Quốc phòng Belarus cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng, để chống lại mối đe dọa từ phương Tây, vũ khí hạt nhân sẽ là biện pháp răn đe chính.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho rằng không phải ngẫu nhiên nước này coi vũ khí hạt nhân là một biện pháp răn đe hiệu quả. Ảnh minh họa: AP

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế ở Moscow ngày 15/8, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho rằng, Nga và Belarus có thể rơi vào cuộc xung đột trực tiếp với NATO trong tương lai. Ông Khrenin cảnh báo rằng, xung đột ở Ukraine đã biến thành "một cuộc đối đầu giữa phương phương Tây và Nga". 

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus cho rằng, căn cứ vào sự gia tăng chi tiêu cho vũ khí của các nước phương Tây, "khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với NATO trong tương lai trở nên rất rõ ràng". 

"Không ngẫu nhiên mà Belarus coi việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại lãnh thổ là một yếu tố răn đe chiến lược hiệu quả", ông Khrenin nói thêm. 

Vào tháng 3, ông Putin tuyên bố vũ khí hạt nhân Nga sẽ được triển khai tại Belarus để đáp trả việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine. Moscow sẽ chỉ thu hồi vũ khí hạt nhân nếu Mỹ chấp nhận loại bỏ tên lửa hạt nhân khỏi châu Âu và tháo dỡ cơ sở hạ tầng liên quan, Aleksey Polishchuk - một quan chức Bộ Ngoại giao Nga - tuyên bố vào tháng 7. 

Các đồng minh phương Tây của Ukraine tuyên bố rằng họ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine và đã không cung cấp một số vũ khí, đặc biệt là chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa, để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow. 

Tuy nhiên, theo đài RT, các nước này đã gửi cho Kiev một số vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD, trong khi phớt lờ những cảnh báo lặp đi lặp lại của Moscow rằng mọi gói vũ khí tiếp theo cho Kiev sẽ đẩy Mỹ và NATO tới gần hơn với việc tham gia vào xung đột Ukraine. 

"Không còn nghi ngờ gì nữa, giới tinh hoa quyền lực châu Âu đang tập trung vào một cuộc chiến chống lại Nga và Belarus", ông Khrenin nói trong ngày 15/8. "Giờ đây, trận chiến đã biến thành cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga (cùng các quốc gia ủng hộ Moscow) trên lãnh thổ Ukraine. Cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine thực sự đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc thế chiến lần 3". 

Năm 2022, ông Putin từng nói rằng quân đội Nga không chỉ chiến đấu với quân đội Ukraine mà còn là "toàn bộ bộ máy quân sự phương Tây".

Tâm Hoa - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN