Bị thổi bay hơn 100 tỷ đồng trong một ngày, mẹ Cường đô la còn sở hữu tài sản thế nào?

Trái ngược với đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của mẹ Cường đô la vẫn bị thổi bay hơn 100 tỷ đồng bởi đà giảm của cổ phiếu nắm giữ.

Sau phiên bán tháo cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi trở lại trong phiên giao dịch ngày 27/5. Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 5,75 điểm (0,46%) so với phiên trước để đóng cửa ở mức 1.267,68 điểm. Rổ chỉ số VN30-Index tăng hơn 1,4 điểm (0,11%), lên 1.284,88 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index ghi nhận tăng 1,11 điểm để đóng cửa ở mức 242,83 điểm và UPCOM-Index giữ sắc xanh khi đóng cửa khi tăng 0,47 điểm để đóng cửa ở mức 94,87 điểm.

Trái ngược với đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường - Gia Lai do nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan - mẹ doanh nhân Cường đô la giữ vị trí Tổng giám đốc lại có phiên giảm kịch sàn để đóng cửa ở mức giá 15.450đ/cổ phiếu.

Cổ phiếu QCG do nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan giữ vị trí Tổng giám đốc giảm kịch sàn trong phiên giao dịch 27/5

Cổ phiếu QCG giảm mạnh khi vướng vào vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, P12, Quận 4, TP.HCM.  

Đà giảm mạnh của cổ phiếu QCG khiến khối tài sản của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan ghi nhận giảm tới hơn 117,2 tỷ đồng khi nữ đại gia phố Núi đang trực tiếp nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp mình đang làm lãnh đạo. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch 27/5, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bà Loan giảm còn 1.575 tỷ đồng.

Sau phiên phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 28/5, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap nhận định chỉ số đại diện nhóm vốn hóa lớn là VN30 có thể tăng từ hỗ trợ MA20 (tại 1.280 điểm) để kiểm định kháng cự MA10 (tại 1.298 điểm). Động thái này có thể sẽ dẫn dắt VN-Index tăng và kiểm định lại vùng đỉnh gần nhất tại 1.277-1.280 điểm. Nếu lực mua được cải thiện mạnh mễ giúp chỉ số vượt vùng cản nói trên, VN-Index sẽ kéo dài đà tăng lên vùng 1.290-1.295 điểm. Ngược lại, nếu chưa thể vượt đỉnh, VN-Index vẫn còn khả năng sẽ điều chỉnh giảm trở lại sau đó.

Chuyên gia của CTCK KB (KBSV) nhận định dù rủi ro VN-Index vẫn sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong những phiên tới, xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn tạm thời vẫn đang được bảo lưu và chỉ số có thể có cơ hội hồi phục trở lại tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.24x hoặc xa hơn tại 1.220 (+/-5) điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ, gần là 1.24x và trong kịch bản điều chỉnh sâu hơn là quanh 1.220 (+/-5) điểm.

Chuyên gia CTCK Agribank (Agriseco Research) cho rằng thị trường đang dần ổn định và sẽ xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen để hình thành vùng tích lũy mới. Vùng 1.250 – 1.260 được kỳ vọng là điểm đỡ đáng tin cậy và giúp chỉ số duy trì xu hướng tăng hiện tại.

Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế trading khi chỉ số có nhịp lùi về vùng hỗ trợ, ưu tiên các cổ phiếu đầu ngành đã tạo nền trên cả 2 mốc MA20 và MA50 và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang thu hút dòng tiền.

Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định trong ngắn hạn, VN-Index sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1,250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250 – 1.300 điểm, đang phục hồi tốt khi kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Thị trường vẫn luân phiên phục hồi với các mã/nhóm mã chưa tăng nhiều, có vùng giá dưới hay tương đương VN-Index 1.250 điểm.

Xu hướng trung hạn của VN-Index trở lại kênh tích lũy 1.250 – 1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 – 1.287 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất phiên giảm điểm mạnh 15/04/2024 cũng như đỉnh giá tháng 09/2022.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN