Bí ẩn tổ chức chuyên “săn” quan lại thời Thanh và món vũ khí lấy đầu người cách xa trăm bước

Thời hoàng đế Ung Chính (nhà Thanh), nhiều quan lại thường cảm thấy như bị rình rập từ phía sau bởi các thành viên của một tổ chức sát thủ đáng sợ.

Tranh vẽ Ung Chính – hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh (tranh: Sohu)

Cửu tử đoạt đích và đội thị vệ “bắt ve”

Khang Hi (1654 – 1722) là vị hoàng đế nổi tiếng tài giỏi, sáng suốt thời nhà Thanh, nhưng sai lầm của ông là để cho các con trai can dự quá nhiều vào việc triều chính, dẫn đến tranh giành quyền lực sau này, theo Sohu.

Năm 1675, Khang Hi đã lập Dận Nhưng (người con thứ 2) làm thái tử. Tuy nhiên, Dận Nhưng càng lớn lại càng thể hiện tính tình tàn bạo, xấu xa nên Khang Hi rất chán ghét.

Năm 1708, Khang Hi phế truất vị trí thái tử của Dận Nhưng. Ngôi vị “trữ quân” (thái tử) vì vậy bỏ trống.

Theo Sohu, cuối thời Khang Hi, 9 người con trai của ông ra sức chia bè kết phái, cạnh tranh ngôi báu. Sử nhà Thanh gọi sự kiện này là “Cửu tử đoạt đích”.

Trong số hoàng tử tham gia “đoạt đích”, có 5 cái tên nổi bật là Dận Thì, Dận Chỉ, Dận Tự, Dận Trinh và Dận Chân.

Tháng 12/1722, Khang Hi băng hà. Theo di chiếu, tứ hoàng tử Dận Chân được chọn kế vị ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Ung Chính.

Việc Dận Chân kế vị Khang Hi còn gây tranh cãi đến ngày nay. Một số nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cho rằng, Dận Chân đã liên kết với 2 đại thần là Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa để sửa di chiếu của Khang Hi.

Theo đó, chữ “thập” (十, nghĩa là “mười”) có thể đã bị sửa thành chữ “vu” (于, nghĩa là “cho”). Vì vậy di chiếu ban đầu có thể là “thập tứ hoàng tử nối ngôi” (Dận Trinh) nhưng bị sửa thành “truyền ngôi cho tứ hoàng tử” (Dận Chân).

Tuy nhiên, đây chỉ là thuyết âm mưu.

Ung Chính bề ngoài ôn hòa, nhưng thực ra rất hà khắc, độc đoán (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Xét về tài năng và quyền lực phe phái, Dận Trinh không thua gì Dận Chân. Năm 1718, Dận Trinh được Khang Hi phong làm Phủ viễn Đại tướng quân, chỉ huy 2 đạo quân phòng thủ Tây Tạng, uy danh lừng lẫy. Nhưng xét về tâm cơ, Dận Chinh lại kém xa Dận Chân.

Theo Sohu, trong khi những người anh em còn lại cạnh tranh quyền lực, công kích khiến Dận Nhưng mất chức thái tử, thì Dận Chân, bề ngoài, lại tỏ ra vô cùng ôn hòa, dường như không có tham vọng với ngôi vị hoàng đế.

Năm 1709, trước sự van nài của Dận Chân, Khang Hi đã phục vị thái tử cho Dận Nhưng. Bản thân Dận Chân, vì biểu hiện tốt, cũng được Khang Hi phong cho tước hiệu Ung Thân vương. Chữ “ung” (雍) có nghĩa là hòa thuận.

Năm 1711, Khang Hi một lần nữa phế bỏ vị trí thái tử của Dận Nhưng. Dận Chân lúc này không phản đối nữa.

Theo Qulishi, trong suốt những năm cuối thời Khang Hi, Dận Chân luôn thể hiện là người là tôn sùng Phật giáo, hiếu thuận và giữ hòa khí với các anh em. Trong khi các hoàng tử tranh giành “đoạt đích”, khiến Khang Hi phải “đau đầu”, thì Dận Chân lại tự xưng là “thiên hạ đệ nhất nhàn nhân” (người ưa thích nhàn rỗi nhất thiên hạ). Biểu hiện của Dận Chân khiến Khang Hi rất yên tâm.

Vây cánh của Dận Chân không có nhiều, nhưng ông tập trung gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với 2 quan đại thần là Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa. Sau này, chính Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa là người giúp Dận Chân củng cố quyền lực, thanh trừng các thế lực chống đối.

Đội thị vệ đặc biệt của Ung Chính là tiền thân của Niêm Can xứ (tranh: Sina)

Vì sao Dận Chân có thể đưa ra các bước đi tài tình và khác biệt như vậy?

Theo Qulishi, việc Dận Chân chiến thắng trong cuộc “đoạt đích”, lên ngôi hoàng đế, có liên quan rất lớn đến sự khôn ngoan của ông và hành động của nhóm “Niêm Can thị vệ”.

Thanh sử chép, năm 1708, Khang Hi phế truất vị trí thái tử của Dận Nhưng. Cuộc đua tranh ngôi báu giữa các hoàng tử lúc này đã bắt đầu khốc liệt.

Hơn ai hết, Dận Chân muốn ngôi thái tử về tay, nhưng trước mặt Khang Hi, ông không thể tỏ ra là người tham lam.

Nhiệm vụ thăm dò và giám sát các đối thủ chính trị, Dận Chân giao cho đội thị vệ riêng của ông, còn gọi là “Niêm Can thị vệ”. Bề ngoài, nhóm người này có nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ các thú vui của Dận Chân. Nhưng thực chất, “Niêm Can thị vệ” là tổ chức tình báo quy mô nhỏ của Dận Chân.

Về cái tên “Niêm Can” (cây gậy dính), có thể lý giải như sau:

Tương truyền, khi Ung Chính Đế (Dận Chân) còn là hoàng tử, ông có thói quen đến một biệt viện ở ngoại ô thành Bắc Kinh để tránh nóng. Trong biệt viện trồng rất nhiều cây cối và khi mùa hè đến, tiếng ve kêu ồn ào khiến Dận Chân không thể tập trung đọc sách.

Lúc này, nhiệm vụ của đội thị vệ là bắt ve và côn trùng. Họ sử dụng những cây gậy dài, phủ chất dính lên đầu gậy để bắt ve. Mỗi đêm, đội thị vệ của Dận Chân có thể bắt hàng trăm con ve.

Cũng có lúc, công việc của họ là bắt chuồn chuồn để làm mồi câu cá cho Dận Chân. Cái tên “Niêm Can” (黏竿) có nguồn gốc từ đó.

Cũng có cách giải thích khác cho cái tên “Niêm Can”.

Theo Qulishi, Dận Chân coi các đối thủ của mình chỉ như “con sâu cái kiến” và đội thị vệ “Niêm Can” của ông (sau này là tổ chức Niêm Can xứ) luôn rình rập từ phía sau, có thể “bắt dính” họ bất cứ lúc nào.

Nhờ tin tình báo của “Niêm Can thị vệ”, Dận Chân nắm bắt được các phe phái trong triều, các quan lại trung lập và những người có thể làm đồng minh. “Niêm Can thị vệ” cũng cung cấp một danh sách quan lại chống đối để Dận Chân thực hiện kế hoạch “bàn tay sắt” sau này.

Năm 1711, Khang Hi phế bỏ thái tử Dận Nhưng lần thứ hai. Công việc của “Niêm Can thị vệ” lúc này đã rất bận rộn.

Bề ngoài, Dận Chân luôn tỏ vẻ thờ ơ, không màng chính sự, nhưng thực ra ông nắm rất rõ những gì xảy ra trong Tử Cấm Thành, theo Qulishi.

Niêm Can xứ giúp Ung Chính thanh trừng các thế lực chống đối (tranh: Sohu)

Niêm Can xứ

Tháng 12/1722, Dận Chân lên ngôi, lấy hiệu là Ung Chính (chữ “ung” nghĩa là hòa thuận, chữ “chính” nghĩa là danh chính ngôn thuận). Một trong những việc đầu tiên Ung Chính làm sau khi lên ngôi là thành lập Niêm Can xứ (tiền thân là đội Niêm Can thị vệ), trực thuộc Nội vụ phủ. Lúc này, Niêm Can xứ lần đầu tiên bước ra ánh sáng.

Theo Sohu, các tài liệu lịch sử nhà Thanh ghi chép rất ít về Niêm Can xứ, nguyên nhân là do tính chất bí mật trong hoạt động của tổ chức này. Bề ngoài, Niêm Can xứ là cơ quan giám sát, điều tra quan lại và báo cáo trực tiếp cho Ung Chính, nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ thực hiện cả những vụ ám sát theo lệnh nhà vua.

Nhiều người nhầm lẫn Niêm Can xứ với Cẩm Y vệ (thời Minh), theo Sohu. Nhưng thực tế, 2 tổ chức này rất khác nhau.

Lực lượng Cẩm Y vệ thời Minh đông tới hàng vạn người. Ngoài theo dõi, bắt bớ quan lại, họ còn có nhiệm vụ bảo vệ hoàng đế và tham gia các nghi lễ trong cung đình.

Niêm Can xứ thời Thanh hoàn toàn là “tai mắt” của hoàng đế. Họ thực hiện các nhiệm vụ bí mật và hiếm khi xuất hiện công khai. Không có tài liệu nào đề cập tới “quân số” của Niêm Can xứ, nhưng tổ chức này chắc chắn không sở hữu tới hàng vạn nhân sự như Cẩm Y vệ.

Thời Thanh, trách nhiệm bảo vệ hoàng tộc được giao cho Thị vệ xứ, Niêm Can xứ không có nhiệm vụ này, theo Sohu.

Nòng cốt của Niêm Can xứ là đội thị vệ “bắt ve” từng phục vụ cho Ung Chính khi còn là hoàng tử. Ngoài ra, tổ chức này cũng tuyển thêm một số thị vệ xuất sắc trong Tử Cấm Thành, ưu tiên con em người Mãn Châu, trung thành với hoàng đế.

Niêm Can xứ thời Ung Chính hành động “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên khiến cả quan lại và dân thường khiếp sợ, theo Sohu.

Trong cuốn “Diêm bộc tạp ký”, Triệu Dực (1727 – 1812), sử gia thời Thanh, ghi lại một câu chuyện về Niêm Can xứ như sau:

Thời Ung Chính có viên quan tên Vương Vân Cẩm. Dịp Tết Nguyên đán, ông ta mời bạn bè tới nhà chơi đánh bạc. Trong khi chơi, một con bài (loại bài bằng thẻ gỗ) rơi ở đâu không rõ.

Hôm sau thiết triều, Vương Vân Cẩm bị Ung Chính giữ lại và hỏi hôm qua đã làm gì ở nhà. Vương Vân Cẩm là người thật thà, liền bẩm báo rằng mình chơi bạc ở nhà cùng bạn bè.

Ung Chính hài lòng, khen ông là người thành thực. Nói xong, Ung Chính trả cho Vương Vân Cẩm đúng con bài mà hôm qua ông ta tìm không thấy.

Theo Qulishi, Niêm Can xứ hoạt động mạnh nhất vào thời Ung Chính. Thời Càn Long (1711 – 1799) dung túng cho nhiều tham quan tham (nổi bật là Hòa Thân), Niêm Can xứ không được xem trọng. Đến thời Gia Khánh (1760 – 1820) Niêm Can xứ bị bãi bỏ.

Huyết Trích Tử - nhóm sát thủ trong tổ chức Niêm Can xứ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Huyết Trích Tử và “bàn tay sắt” của Ung Chính

Thời Khang Hi tại vị, Ung Chính luôn tỏ ra là người ôn hòa, thân thiết với anh em, nhưng sau khi lên ngôi, ông cai trị một cách hà khắc và độc đoán. Đây dường như mới là con người thật của Ung Chính, theo Sina.

Chỉ 4 năm sau khi Ung Chính lên ngôi, đã có 2 hoàng tử (từng tham gia vào cuộc “đoạt đích) chết không rõ nguyên nhân. Họ là Dận Tự (hoàng tử thứ 8) và Dận Đường (hoàng tử thứ 9).

Dận Trinh (hoàng tử thứ 14), người cạnh tranh trực tiếp ngôi báu với Ung Chính, bị tước hết quyền hành, đày đi trông giữ lăng tẩm của hoàng gia.

Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa – 2 đại thần có công lớn giúp Ung Chính lên ngôi – cũng chịu chung số phận với Dận Trinh. Họ bị Ung Chính ghét bỏ, cách hết chức tước và giam cầm.

Riêng Niên Canh Nghiêu thì bị Ung Chính ép tự sát bằng thuốc độc vào năm 1726.

Theo Sina, những người bị Ung Chính thanh trừng có thể liên quan đến Niêm Can xứ và một nhánh sát thủ của tổ chức này – Huyết Trích Tử.

Chính sử nhà Thanh không thừa nhận sự tồn tại của Huyết Trích Tử, nhưng trong dân gian, có không ít đồn thổi về tổ chức đáng sợ này.

2 phiên bản của vũ khí Huyết Trích Tử xuất hiện trên phim (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Sohu, những năm đầu cai trị, để củng cố quyền lực, Ung Chính đã chỉ đạo thành lập nhóm Huyết Trích Tử trong đội ngũ của Niêm Can xứ. Nhiệm vụ của Huyết Trích Tử là ám sát quan lại chống đối Ung Chính và thanh trừng những kẻ hô hào “phản Thanh phục Minh”.

Đặc trưng của các thành viên Huyết Trích Tử là loại vũ khí mà họ thường xuyên sử dụng, cũng tên là Huyết Trích Tử.

Trên phim ảnh, hình dạng phổ biến nhất của Huyết Trích Tử là một thiết bị bằng sắt, bề ngoài phủ lưỡi cưa, nhìn khá giống một chiếc lồng chim hay một chiếc chuông.

Huyết Trích Tử hoạt động dựa trên nguyên lý lên dây cót. Khi phóng ra, loại vũ khí này trùm kín đầu nạn nhân. Khi sát thủ giật mạnh dây xích, các lưỡi dao bên trong Huyết Trích Tử phóng ra, cắt lìa đầu nạn nhân đồng thời vũ khí bay cũng về vị trí cũ.

Điểm mạnh của Huyết Trích Tử là có thể lấy đầu mục tiêu trong phạm vi 100 bước (tương đương 100 mét). Nạn nhân bị mất đầu dẫn đến khó nhận dạng, quan phủ không thể điều tra.

Theo Sohu, Huyết Trích Tử (nếu có thật) là loại vũ khí lợi hại, nhưng khó sử dụng. So với các vũ khí tầm xa như cung tên, nỏ, ám khí, thì Huyết Trích Tử khó sử dụng hơn rất nhiều.

Đến nay, chưa có tài liệu nào cho thấy tính xác thực của món vũ khí kì dị và đáng sợ này.

Bị Huyết Trích Tử nhắm trúng, nạn nhân liền trở thành “ma không đầu” (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Cũng có giả thuyết cho rằng Huyết Trích Tử là một loại chất độc mà thành viên của Niêm Can xứ sử dụng. Loại độc này là hỗn hợp từ nhiều độc dược và nọc rắn. Nếu bị chất độc Huyết Trích Tử dính lên người, nạn nhân sẽ mưng mủ toàn thân, sau đó biến thành một vũng máu.

Vương Quốc – tổng hợp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN