
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thảo luận cùng đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz ở Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters.
Theo báo Anh Telegraph, sau 4,5 giờ đàm phán, Nga và Mỹ dường như đã đi đến một sự đồng thuận, rằng cần tổ chức bầu cử ở Ukraine trước khi bất cứ thỏa thuận hòa bình cụ thể nào được ký kết.
Nga, Mỹ đạt sự đồng thuận đột phá?
Sự đồng thuận này dẫn đến lo ngại ở châu Âu rằng Moscow có thể tác động để thúc đẩy một lãnh đạo thân Nga chiến thắng bầu cử ở Ukraine. Khi đó, các điều khoản hòa bình cũng sẽ dễ dàng được thảo luận hơn, báo Anh viết.
Cuối ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như xác nhận lập trường của Nga và Mỹ, khi nói: “Đó là ý tưởng của tôi”.
Phát biểu tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, ông Trump nói: “Chúng ta đang có vấn đề là chưa có bầu cử ở Ukraine. Tôi không muốn phải nói nhưng lãnh đạo Ukraine thực tế chỉ còn 4% tỉ lệ ủng hộ”. Không rõ ông Trump đưa ra con số 4% dựa trên nguồn nào.
“Nếu Ukraine muốn có chỗ trên bàn đàm phán, người dân của họ cần phải có tiếng nói. Đó không phải ý tưởng của Nga. Đó là ý tưởng của tôi và nhiều quốc gia khác cũng nghĩ như vậy”, ông Trump nhấn mạnh.
Nói về lí do Ukraine không được mời tham gia cuộc họp ở Ả Rập Saudi, ông Trump nói “họ đã có 3 năm để chấm dứt xung đột”.

Ông Trump hôm 18/2 tuyên bố thúc đẩy bầu cử ở Ukraine là “ý tưởng của tôi”. Ảnh: AFP.
“Tôi nghe thấy ở đâu nói là Ukraine thất vọng vì không được mời. Thực tế là họ đã có ghế trong 3 năm và thậm chí lâu hơn thế. Cuộc xung đột này lẽ ra đã có thể được dàn xếp một cách dễ dàng”, ông Trump nói. “Không cần phải là chuyên gia đàm phán cũng có thể giải quyết vấn đề này cách đây nhiều năm mà không mất nhiều đất đai, không tiêu tốn sinh mạng như ngày nay”.
Tiến trình kết thúc xung đột được hé lộ
Theo báo Anh, sau cuộc họp ở Ả Rập Saudi, Nga và Mỹ đã nhất trí sẽ khôi phục quan hệ, nối lại các hoạt động ngoại giao, thúc đẩy đàm phán về hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác.
Hai bên đồng ý về ngừng bắn, sau đó là tổ chức bầu cử ở Ukraine, đồng nghĩa Kiev phải hủy bỏ tình trạng thiết quân luật. Giai đoạn thứ 3 sẽ là Kiev và Moscow ký thỏa thuận hòa bình sau bầu cử - theo thông tin báo Anh thu thập được.
Nga và Mỹ đã nhất trí sẽ thành lập phái đoàn chuyên trách để đàm phán cụ thể hơn về vấn đề Ukraine trong thời gian tới.
Theo báo Anh, tính đến cuối năm 2024, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã giảm xuống còn khoảng 50%, so với mức 70% vào năm 2023. Nhiều nhân vật đang nổi lên là nhà lãnh đạo tiềm năng ở Ukraine nhưng chưa có ai công khai kế hoạch tranh cử. Cá nhân ông Zelensky cũng để ngỏ khả năng tranh cử nhiệm kỳ hai.

Nga và Mỹ dường như đã tìm được tiếng nói chung trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP.
Một nguồn tin từ Ukraine cho biết, Kiev đã hoàn toàn “bị sốc và tức giận” về những gì Nga và Mỹ thảo luận cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine.
Ngược lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói cuộc họp với Mỹ rất “hữu ích” và cả hai bên đã đồng ý chỉ định một nhóm đàm phán để thực hiện xúc tiến khôi phục hòa bình ở Ukraine.
“Chúng tôi đã lắng nghe và hiểu nhau”, ông Lavrov nói, đồng thời nói cho biết hai bên đã nhất trí về một “quy trình” chính thức để giải quyết xung đột ở Ukraine. Không rõ đó có phải là quy trình 3 giai đoạn như trên hay không.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông “tin chắc” Moscow đã sẵn sàng tham gia vào một “quy trình nghiêm túc” để chấm dứt xung đột. “Nếu xung đột kết thúc, thế giới không chỉ trở nên tốt đẹp hơn mà tôi nghĩ sẽ có một số cơ hội khá độc đáo để hợp tác với Nga về các lĩnh vực mang lợi lợi ích song phương, địa chính trị và một số cơ hội kinh tế”, ông Rubio nói.
“Trước tiên, chúng ta phải giải quyết tình hình Ukraine theo cách mà mọi người đều chấp nhận được”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Theo báo Anh, phía Nga cũng đã nêu rõ quan điểm không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu ở Ukraine như một phần trong thỏa thuận hòa bình. Sau khi thảo luận, Mỹ dường như đã nhất trí về việc không gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, một nguồn tin thân cận ở Nhà Trắng nói với tờ Telegraph.