Đường Lê Lợi, quận 1 từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành dài gần 1km, là một trong những tuyến đường có vị trí đắc địa, sầm uất và đắt đỏ nhất ở trung tâm TP.HCM.
Cuối năm 2022, toàn bộ tuyến đường đã được hoàn thành tháo dỡ rào chắn, trả lại mặt bằng, tổ chức giao thông thông thoáng sau 8 năm thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đây là tuyến đường hiếm hoi có 12 làn xe lưu thông ở trung tâm thành phố.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, tuyến đường Lê Lợi có tính chất là trục đường thương mại, dịch vụ, nơi dừng chân của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Do đó, cần thiết phải có nghiên cứu xây dựng trục đường Lê Lợi trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại và bền vững.
Sau khi rào chắn metro được tháo dỡ, nhiều nhà mặt tiền kinh doanh cung đường “vàng” này có giá cho thuê hàng trăm triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dọc tuyến phố này còn rất nhiều mặt bằng vẫn đang treo bảng cho thuê, số khác đóng cửa im lìm trong thời gian dài, trông khá nhếch nhác.
Đường Lê Lợi cũng là tuyến đường luôn đông đúc người dân, khách du lịch qua lại các điểm tham quan, vui chơi, mua sắm…
Hiện trạng mặt tiền, vỉa hè tuyến đường này trở nên trơ trụi, không một bóng cây khi những hàng cây cổ thụ hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đi chợ Bến Thành bị đốn hạ để thi công tuyến metro. Hiện yếu tố cảnh quan và các tiện ích cho hoạt động mua sắm, đi bộ trên tuyến đường này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Ghi nhận dải phân cách giữa đoạn giao với đường Pasteur đến chợ Bến Thành được thiết kế trồng hoa kiểng tạo cảnh quan, nhưng những bồn trồng cây vẫn đang để trống.
Vỉa hè đường Lê Lợi hướng đi phố đi bộ Nguyễn Huệ do không ảnh hưởng thi công tuyến metro số 1 nên vẫn giữ được hai hàng cây xanh, đối lập với vỉa hè đối diện không một bóng cây.
Xe cộ, người đi bộ di chuyển dưới bóng mát những tán cây xanh trên hướng đường này.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, tuyến đường Lê Lợi hiện không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do đó, sở này vừa có đề xuất giải pháp lắp mái che trên vỉa hè để chống nắng, che mưa, tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại – du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành.
Theo đó, vỉa hè mỗi bên trung bình từ 5,5 - 6m sẽ được thiết kế mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới, kích thước mái che vươn ra 4m. Vật liệu sử dụng là các chất liệu đẹp bền vững và chi phí tiết kiệm của các địa phương phía Nam, kết hợp các loại vật tư với thiết kế màu sắc nhẹ nhàng, có thiết kế hài hoà với cảnh quan chung của khu vực. Kinh phí ước tính sơ bộ khoảng 20 - 30 tỷ đồng.
Theo sở này, với phương án làm mái che sẽ đem lại những hiệu quả nhất định cho tuyến đường Lê Lợi và cả khu vực trung tâm như: thay thế dãy cây xanh bị di dời; tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới ấm cúng, thân thiện, an toàn cho người đi bộ, khách du lịch… Trong ảnh, một phần mái che của khách sạn Rex Sài Gòn rộng khoảng 2m, vươn ra vỉa hè đường Lê Lợi đoạn giáp phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Ông Trịnh Hoài Thanh, bán đồ lưu niệm trên đường Lê Lợi cho biết sau khi mặt bằng được trả lại thông thoáng nhưng nắng như muốn bể đầu suốt cả ngày, cuối chiều ông mới ra ngoài vỉa hè ngồi hóng mát chờ khách. “Nếu được lựa chọn tôi muốn tuyến phố được trồng lại cây xanh để nhìn được xanh tươi, mát mẻ hơn. Còn không thì làm mái che cho người dân, du khách đi lại đỡ nắng”, ông Thanh chia sẻ.
Còn anh Huỳnh Tất Thắng, nhân viên cửa hàng khác cho hay, thường ngày hướng đi chợ Bến Thành không một bóng cây nên thời điểm nắng rất ít khách qua lại, ngại dừng xem, mua hàng, chủ yếu đi vỉa hè hướng đối diện có cây xanh nên ảnh hưởng đến lượng khách.
Trước đó, sau khi hoàn trả mặt bằng, UBND quận 1 cũng đã đề xuất UBND TP cho phép chuyển đường Lê Lợi thành phố đi bộ để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm.