3 kiểu cha mẹ có tỷ lệ con cái thành công cao nhất: Bạn có nằm trong danh sách này?

Những kiểu cha mẹ này có vai trò lớn trong việc góp phần giúp con cái thành công trong tương lai.

Để con cái trở nên ưu tú, tăng tỷ lệ thành công trong tương lai, cha mẹ phải làm tốt vai trò là người hỗ trợ cho con mình, đặc biệt là 3 kiểu cha mẹ dưới đây rất đáng để học hỏi.

1. Cha mẹ biết cổ vũ dạy con tự tin, dũng cảm

Có một người cha thích thể thao, một lần anh đưa con gái ra ngoài chơi trượt ván. Vì con dốc quá cao nên cô bé rất sợ, không dám trượt xuống. Người cha bên cạnh thấy con gái như vậy liền nói: "Đừng sợ, cha làm trước cho con xem rồi ở dưới đợi con”.

Nói xong anh trượt ván xuống trước. Sau 5 phút, cô bé cuối cùng cũng lấy hết can đảm để trượt xuống nhưng bị té và òa lên khóc. Thấy vậy, người cha lập tức đỡ con gái dậy và nói: “Không sao đâu, tự trượt xuống được là có tiến bộ rồi. Bố thấy con có cố gắng và rất dũng cảm. Con tập vài lần sẽ làm được”.

Được cha khuyến khích, cô bé tập đi tập lại, mỗi lúc một thuần thục hơn, vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng. Chẳng mấy chốc, cô bé sẽ có thể trượt ván với bố một cách điêu luyện.

Mỗi lời động viên, ủng hộ của cha mẹ đã cho đứa trẻ niềm tin vô hạn và động lực để dũng cảm tiến về phía trước.

Một cư dân mạng kể rằng, mình thích vẽ, từ nhỏ đã tích cực tham gia các cuộc thi vẽ ở trường và giành được không ít giải thưởng. Trong một cuộc thi vẽ tranh, cô giành được vị trí thứ 2 và nóng lòng được về nhà và chia sẻ niềm vui này với cha mẹ mình. 

Cuối cùng, thứ cô nhận được là câu nói lạnh lùng của mẹ: “Mẹ chưa thấy con quan tâm đến việc học như vậy, dẹp mấy thứ vô bổ này đi, sau này đừng vẽ vời nữa”.

Cha cũng nói với cô: "Sau này con đừng lãng phí thời gian vào việc vẽ tranh, học bài quan trọng hơn".

Cha mẹ cô thường hay dội gáo nước lạnh như vậy trước mỗi thành tích cô đạt được, lâu dần cô trở nên mặc cảm, thấy mình vô dụng.

Nhà tâm lý học William James từng nói: “Mong muốn sâu xa nhất của con người là được người khác đánh giá cao”.

Nhiều cha mẹ ép con, dội gáo nước lạnh vào người khi con cần động viên. Điều này khiến trẻ càng tự ti và hèn nhát.

Cha mẹ thông thái là những người tốt cổ vũ cho con cái, nhìn thấy nỗ lực của con, khẳng định sự cố gắng của con. Cha mẹ biết hỗ trợ là chỗ dựa vững chắc cho con cái.

2. Cha mẹ đồng hành cho trẻ cảm giác an toàn

Tian Wenwen trong bộ phim truyền hình "The Big Exam" của Trung Quốc bị cha mẹ bỏ rơi, được bà ngoại nuôi nấng từ nhỏ. Sau khi bà nội qua đời, cô thà sống một mình còn hơn làm phiền cha mẹ.

Kỳ thi tuyển sinh đại học sắp đến, cha mẹ cô đưa em gái trở lại thăm Tian Wenwen. Cô từng nghĩ rằng, cha mẹ quá bận rộn với công việc, không có thời gian ở cùng cô. Thế nhưng khi ở bên nhau, cô mới phát hiện ra cha mẹ đã dành sự đồng hành và tình yêu thương dành cho em gái mình. Điều này khiến cô không khỏi cảm thấy ghen tị với em gái.

Khi Tian Wenwen biết cha mẹ định bỏ cô để quay lại làm việc ở Vũ Hán, cô đã vô cùng chán nản và leo lên tầng cao nhất, định nhảy lầu tự tử.

Cô từng chất vấn mẹ rằng: “Khi con còn nhỏ, mẹ không thể đưa con đi cùng. Bây giờ bà nội mất rồi, mẹ vẫn để con một mình. Con cũng biết cô đơn mà mẹ”.

Thiếu sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ trong thời gian dài khiến cho Tian Wenwen mắc chứng trầm cảm từ lâu. Sau tất cả, cô cảm nhận cha mẹ không cần mình, không coi trọng đứa con này nên mới ý định kết thúc cuộc đời mình.

Nhà tâm lý học David Elkind cho biết: “Điều trẻ cần biết nhất là chúng rất quan trọng với cha mẹ và sẽ luôn được bao bọc bởi tình yêu thương. Một đứa trẻ thực sự hạnh phúc phải lớn lên khỏe mạnh với sự đồng hành kiên nhẫn của cha mẹ”.

Những đứa trẻ cảm thấy bất an phần lớn là do chúng bị cha mẹ bỏ rơi nên ngày càng tự ti, bất an. Vì vậy, muốn con cái thành công sau này, điều quan trọng nhất là cha mẹ mang lại cảm giác an toàn, đáng tin cậy cho con mình.

3. Cha mẹ đồng cảm khơi dậy động cơ tiềm ẩn của trẻ

Yu Minhong, người sáng lập nên trang New Oriental đã cho con gái mình bắt đầu học piano khi mới 5 tuổi. Cô bé đã vượt qua trình độ piano cấp 10 khi mới 10 tuổi.

Nhưng khi tăng thời gian luyện tập, cô bé cũng bắt đầu mất hứng thú với piano.

Là một người cha, Yu Minhong biết rằng con gái mình đã chán tập đàn. Thay vì ép con tiếp tục luyện tập, ông đã đưa con gái đi xem một buổi hòa nhạc, sau khi về nhà, ông nói với con gái bằng một giọng trầm.

Yu Minhong nói: “Lúc đầu bối bảo con học piano, hy vọng sau này con sẽ có sở thích của riêng mình, có nhiều bạn bè hơn, không phải vì thi thố gì cả. Khi con người ta lớn lên, sẽ có lúc họ cô đơn, nếu lúc đó không có bố mẹ bên cạnh, cây đàn piano có thể trở thành một bạn đồng hành cùng với con, để con cảm thấy không cô đơn. Con cũng có thể dùng đàn piano để bày tỏ nỗi lòng của mình”.

Sau khi nghe lời bố, cô bé không những không bỏ đàn mà còn có động lực tập luyện hơn, có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập mà không cần thúc giục.

Yu Minhong xem xét vấn đề từ quan điểm của đứa trẻ, khơi dậy động lực tập đàn cho con mà không ép buộc con phải chơi theo ý mình.

Cha mẹ biết đồng cảm, tôn trọng cảm xúc của con cái, sẽ khiến trẻ dễ dàng tiếp nhận sự dạy dỗ, từ đó kích thích động cơ học tập tích cực hơn.

Các chuyên gia giáo dục cho biết: “Chỉ có nhìn vấn đề từ góc độ của trẻ, chúng ta mới có thể hiểu được nhu cầu tâm lý của trẻ, không đưa ra kết luận một cách tùy tiện, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, có như vậy mới chiếm được lòng tin của trẻ”.

Tương lai của một đứa trẻ trông như thế nào phụ thuộc vào “loại dinh dưỡng” mà cha mẹ cung cấp cho chúng. Nuôi dạy một đứa trẻ xuất sắc không thể tách rời sự dạy dỗ cẩn thận và sự đồng hành của cha mẹ.

THUỲ LINH (Theo Aboluowang)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN