Trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; Rửa tiền" và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lào Cai, TAND tỉnh Lào Cai đã trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung đối với bị can Nguyễn Mạnh Thừa và đồng phạm các vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán quặng Apatit trái phép với Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Lilama).
Bên cạnh đó, tòa án đề nghị tiếp tục điều tra, xác minh số tiền thu lợi bất chính của Công ty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam và CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai (nay là Công ty TNHH MTV Hóa Chất Đức Giang Lào Cai) phát sinh từ hợp đồng mua bán quặng Apatit trái phép với Lilama.
Theo cáo trạng, căn cứ Văn bản số 2594 ngày 9/7/2014 do bị can Nguyễn Thành Dương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký ban hành, bị can Nguyễn Mạnh Thừa – Giám đốc Lilama từ ngày 24/7/2014 – 10/8/2014 đã trực tiếp thỏa thuận, thương thảo và ký hợp đồng bán quặng apatit loại I khai thác trái phép tại khu vực 3,77ha Khai trường 18, thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai cho Phốt Pho Vàng Việt Nam tổng gần 23.838 tấn, thu về gần 33,5 tỷ đồng; cho Hóa Chất Đức Giang Lào Cai gần 19.834 tấn, thu về gần 24 tỷ đồng.
Tiếp đến, theo Văn bản số 3448 ngày 5/9/2014 do bị can Lê Ngọc Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký ban hành, bị can Nguyễn Mạnh Thừa – Giám đốc Lilama, từ ngày 8/9/2014 – 26/9/2014 đã trực tiếp thỏa thuận, thương thảo và chỉ đạo ông Nguyễn Quang Triệu (Phó Giám đốc Lilama ) ký hợp đồng bán quặng apatit loại I, được khai thác trái phép cũng tại khu vực trên với số lượng trên 71 nghìn tấn cho CTCP Hóa Chất Đức Giang Lào Cai, qua đó thu về hơn 80 tỷ đồng; cho Phốt pho Vàng Việt Nam 19.669,01 tấn, thu về hơn 25,2 tỷ đồng.
Toàn bộ số lượng quặng apatit đã mua của Lilama kể trên, Hóa Chất Đức Giang Lào Cai và Phốt pho Vàng Việt Nam đã tiến hành nhập kho và đưa vào sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy của đơn vị mình.
Tuy nhiên cáo trạng cho biết đối với 2 đơn vị trên, “quá trình điều tra xác định tại thời điểm xảy ra vụ án đều không biết việc Nguyễn Mạnh Thừa khai thác quặng Apatit tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai là trái phép nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý”.
Hồi tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 41, trưng cầu Sở Tài chính tỉnh Lào Cai tiến hành giám định về tài chính để xác định số tiền lợi nhuận mà Phốt pho Vàng Việt Nam và Hóa Chất Đức Giang Lào Cai thu được từ việc ký hợp đồng mua bán quặng của Lilama. Đến ngày 5/5/2023, Sở Tài chính tỉnh Lào Cai có Văn bản số 918 thông báo về việc không đủ cơ sở thực hiện giám định tư pháp về tài chính theo quy định đối với các nội dung trưng cầu tại Quyết định số 41 ngày 14/3/2023.
Trong khi đó, Cơ quan điều tra chỉ đề nghị truy tố các cá nhân thuộc Công ty Apatit – pháp nhân cũng mua quặng Apatit từ Lilama. Cáo trạng cho biết, toàn bộ khối lượng quặng apatit mà Công ty Apatit thuê Lilama khai thác là 167.190 tấn và mua từ Lilama hơn 1,23 triệu tấn. Sau khi khấu trừ số tiền chi phí, Apatit Việt Nam thu được số tiền lợi nhuận là hơn 184,5 tỷ đồng.
Căn cứ kết luận điều tra, Viện KSND tỉnh Lào Cai đã truy tố Nguyễn Quang Huy, nguyên TGĐ Apatit); Phạm Cao Khiêm, cựu Phó Tổng giám đốc Apatit; Nguyễn Ngọc Bích, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Apatit; Lương Văn Na; cựu Phó Tổng Giám đốc Apatit), Cao Văn Tham (cựu Phó Trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty Apatit; Nguyễn Văn Bình, nguyên thành viên Hội đồng thành viên Apatit; Nguyễn Văn Chung về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên," theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Phốt pho vàng Việt Nam và CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, Phốt Pho vàng Việt Nam được thành lập vào tháng 10/2010, hiện đóng trụ sở chính tại Lô 6, Khu công nghiệp Tằng Lỏong, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Tính đến tháng 11/2022, vốn điều lệ công ty đạt 116 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Bà Phan Thị Lê Hương (30%), ông Nguyễn Hoàng Thông (70%).
Trong một báo cáo của ACBS, công suất thiết kế các nhà máy phốt pho của Phốt Pho vàng Việt Nam trong năm 2023 đạt 19.800 tấn/năm, xếp sau đơn vị đứng đầu là CTCP Hóa chất Đức Giang (69.800 tấn/năm).
Về phía Hóa Chất Đức Giang Lào Cai, đây là công ty con với 100% vốn thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang (HoSE: DGC). Điều này thể hiện thông qua hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mà công ty con này chia cho DGC hàng năm. Nửa đầu năm 2023, DGC thu về 860 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ Hóa Chất Đức Giang Lào Cai. Trước đó, DGC trong năm 2022 và 2021 nhận lần lượt 2.715 tỷ đồng và 521,2 tỷ đồng.
Hóa Chất Đức Giang Lào Cai hoạt động chính trong mảng sản xuất, buôn bán nguyên vật liệu và các mặt hàng hóa chất, đặc biệt là phốt pho và các hợp chất gốc phốt phát.
Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công nhà máy phốt pho vàng với công suất 40.000 tấn/năm – mức cao nhất tại Việt Nam ở thời điểm xây dựng. Một phần sản phẩm phốt pho vàng của đơn vị này được xuất khẩu tới Nhật Bản, Đài Loan, EU, Ấn Độ … một phần được sử dụng nội bộ để chế biến sâu thành các sản phẩm có chứa phốt pho.
Ngoài ra, Hóa Chất Đức Giang Lào Cai sở hữu nhà máy acid Phosphoric trích ly có công suất 160.000 tấn/năm, là nguyên liệu cơ bản để sản xuất phân bón cao cấp DAP, MAP, Supe Lân… cùng một số nhà máy phụ gia, bao bì… khác.