Thông tin từ Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, tính riêng từ ngày 30/1 đến 4/2, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang.
Theo báo cáo Hải quan Tân Sơn Nhất, số khẩu trang trên được xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Nhưng chủ yếu tập trung ở thị trường Hồng Kông và Trung Quốc.
|
Khẩu trang y tế vẫn được xấu khẩu hàng loạt dù thị trường trong nước đang thiếu trầm trọng. |
Trước đó, trao đổi với báo Dân Trí, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng khẩu trang y tế xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến, trị giá khai báo xuất khẩu tại các chi cục và cục hải quan tăng gần gấp 5 lần giá trị nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 30% giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Thống kê trong hơn 10 ngày tính từ thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, lượng hàng khẩu trang xuất đi của Việt Nam đạt tới 2,6 triệu USD (gần 60 tỷ đồng).
Lượng khẩu trang nhập về của Việt Nam thời gian này là 12,2 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với giá trị mặt hàng này nhập khẩu về nước. Trong khi đó, trên thị trường, khẩu trang đang khan hiếm, đội giá.
Trong tình hình dịch nCoV diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan ban hành công văn 676/TCHQ-GSQL yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có các biện pháp chống dịch.
Cụ thể, căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, mặt hàng “khẩu trang y tế” không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Do vậy, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan trực thuộc giải quyết thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin khai trên tờ khai, người khai phải khai báo đơn vị tính là “chiếc” theo quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Trường hợp khai báo không thống nhất, các đơn vị hướng dẫn người khai thực hiện việc quy đổi để đảm bảo thống kê hải quan.