Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (PVH): Lỗ 5 năm liên tiếp, lùm xùm khoản vay tại PVcomBank

Năm 2021, Công ty Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa báo lỗ năm thứ 5 liên tiếp, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, lùm xùm khoản vay nợ tại PVcomBank.
Lỗ 5 năm liên tiếp
CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với doanh thu thuần tăng 66% so năm trước khi đạt gần 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên giá vốn lại chiếm tới hơn 12 tỷ đồng nên PVH lỗ gộp 1,4 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 1,7 tỷ của năm trước. Đáng nói, kỳ này chi phí quản lý của PVH nhảy vọt gấp hơn 5 lần lên gần 34 tỷ đồng.
Do đó sau khi trừ các loại chi phí khác, PVH lỗ ròng nặng 33 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so mức lỗ gần 6 tỷ do công ty công bố trước đó. Con số lỗ này khiến PVH lỗ luỹ kế 134 tỷ đồng, ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp chìm trong thua lỗ.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của PVH giảm gần 31 tỷ đồng xuống mức 600 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho vẫn chiếm 82 tỷ đồng, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn nhích nhẹ lên 45 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ, PVH không vay nợ tài chính ngắn hạn nhưng vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì mức cao 309 tỷ so với đầu kỳ. Trong đó vay nợ tại PVcomBank là chủ yếu với 307 tỷ đồng, còn lại là của các cá nhân khác. 
Hiện PVH có vốn điều lệ 210 tỷ đồng, trong đó Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) chiếm 36% vốn, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) 14,76%, CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương (7,14%)...
Xay lap Dau khi Thanh Hoa (PVH): Lo 5 nam lien tiep, lum xum khoan vay tai PVcomBank
 Gói thầu do PVH thi công
PVH chuyển nhượng dự án Khách sạn Lam Kinh mà chưa có sự chấp thuận của PVcomBank
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, PVH đã chuyển nhượng dự án Khách sạn Lam Kinh cho CTCP Khách sạn Lam Kinh quản lý và khai thác sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của PVComBank. 
Khoản vay này được thế chấp bằng toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư dự án Khách sạn Lam Kinh, nguồn thu từ dự án và toàn bộ quyền thụ hưởng của chủ đầu tư dự án. 
Trong khi đó, theo thư xác nhận số dư của PVcomBank ngày 19/1/2022, chi phí đi vay và các khoản phạt (ước tính) liên quan đến "dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ nhà ở" từ năm 2015 đến cuối năm 2021 PVH chưa chi trả cho PVcomBank số tiền là gần 508 tỷ đồng, trong đó Công ty đã hạch toán trích trước trên chi phí phải trả với giá trị là 84 tỷ đồng, còn lại 423 tỷ chưa được hạch toán trên BCTC năm 2021 (trong đó lãi và chi phí phạt cho năm 2021 ước tính là gần 61 tỷ đồng).
Được biết, "dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ nhà ở chung cư" của PVN tại Thanh Hoá được chia làm 2 tiểu dự án gồm Dự án Khách sạn Lam Kinh và Dự án giai đoạn 2. Trong đó Dự án giai đoạn 2 đã được PVH chuyển nhượng cho CTCP Mai Tuấn Nghĩa.
Hiện PVH đang đầu tư hơn 18 tỷ đồng vào CTCP Khách sạn Lam Kinh, chiếm 9,63% vốn. Tuy nhiên, PVH cũng phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này đúng với số tiền đã bỏ ra do vốn chủ sở hữu của CTCP Khách sạn Lam Kinh đã âm gần 30 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021.
Xay lap Dau khi Thanh Hoa (PVH): Lo 5 nam lien tiep, lum xum khoan vay tai PVcomBank-Hinh-2
 Dự án Khách sạn Lam Kinh nhiều tai tiếng của PVH
Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Cũng tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến do loạt vấn đề.
Thứ nhất, đơn vị kiểm toán cho biết do được bổ nhiệm sau ngày 31/12/2021 nên kiểm toán không thực hiện được thủ tục tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định của PVH.
Thứ hai, PVH có số dư các khoản phải thu khách hàng, phải thu khác và trả trước người bán với tổng giá trị khoảng 180 tỷ đồng. Nhưng đơn vị kiểm toán không đánh giá được khả năng thu hồi của các khoản phải thu này.
Thứ ba, một số công trình đang tạm dừng triển khai có tổng chi phí phát sinh được tập hợp trên tài khoản Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với số tiền khoảng 250 tỷ đồng chưa được đánh giá trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Thứ tư, dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp I và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng khu liên hợp hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã bị chấm dứt. Tuy nhiên PVH vẫn đang phản ánh chi phí liên quan đến công trình này trên khoản mục Chi phí xây dựng cơ bản dở dang với hạng múc Dự án 157 ha Nghi Sơn giá trị khoảng 19,4 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp.
Thứ năm, Chi phí đi vay và các khoản phạt (ước tính) liên quan đến dự án Khu tổ hợp Thương mại Dịch vụ Nhà ở từ năm 2015 đến 2021 chưa được ghi nhận trong báo cáo tài chính là 421 tỷ đồng. Trong đó khoản lãi vay và chi phí phạt chưa được ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2021 ước khoảng gần 61 tỷ đồng. Đồng thời nếu thực hiện theo yêu cầu này thì tổng nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Những dấu hiệu này cùng những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Thứ sáu, toàn bộ các đợt phát sinh khối lượng hoàn thành của PVH tại Công trình Quốc lộ 217 Cẩm Thuỷ đều đã được chủ đầu tư và tư vấn giám sát nghiệm thu. Hơn nữa, toàn bộ gói thầy 2.1 đã được các bên bàn giao, tiếp nhận và đưa công trình vào sử dụng năm 2020.
Tuy nhiên, do nhà thầu chính là Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất chưa thực hiện việc xác nhận khối lượng hoàn thành đợt 7,8 và quyết toán hợp đồng theo đúng quy định nên Công ty chưa phát hàng hoá đơn giá trị gia tăng và ghi nhận doanh thu kịp thời. Công ty đang tạm ghi nhận khoản này vào doanh thu chưa thực hiện đồng thời ghi nhận nợ phải thu từ Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất. Nếu ghi nhận đúng theo quy định thì khoản phải thu khách hàng và khoản doanh thu chưa thực hiện đều giảm đi giá trị là hơn 16 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN