Vừa lên sàn, Tập đoàn Tiến Thịnh muốn chào bán 5,1 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Tiến Thịnh sẽ thu hơn 51 tỷ đồng, nếu chào bán thành công hơn 5,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp.
Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh (UPCoM: TT6) vừa công bố kế hoạch chào bán hơn 5,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động hơn 51 tỷ đồng. Đợt chào bán sẽ được thực hiện theo tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 25 cổ phiếu mới. Nếu thành công, vốn điều lệ của TT6 sẽ tăng 25%, đạt gần 260 tỷ đồng.
Số tiền thu được dự kiến dùng để thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (hơn 20 tỷ đồng) và mua nguyên liệu đầu vào cho nhà cung cấp (31 tỷ đồng), với kế hoạch chi từ quý 2/2025.
Cùng với kế hoạch chào bán cổ phiếu, TT6 đang lấy ý kiến cổ đông về một loạt vấn đề quan trọng, bao gồm thay đổi mô hình tổ chức quản lý, hủy bỏ quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát và điều chỉnh điều lệ Công ty. Đồng thời, phương án chào bán thêm đã thông qua hồi tháng 6 cũng được hủy bỏ, khi kế hoạch trước đó là dành toàn bộ 51,3 tỷ đồng thu về để mua dịch chanh dây và xoài trái từ nhà cung cấp.
Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh (địa chỉ trụ sở chính tại ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được thành lập từ năm 2014, tiền thân là Công ty TNHH Chế biến Nông sản Tiến Thịnh được thành lập năm 2014. Công ty chuyển sang mô hình cổ phần từ năm 2021 với sự tham gia của một số cổ đông lớn nhưng đã nhanh chóng thoái vốn sau đó.
Vua len san, Tap doan Tien Thinh muon chao ban 5,1 trieu co phieu
Sản phẩm của tập đoàn Tiến Thịnh tại các hội chợ thực phẩm và đồ uống quốc tế. 
Tiến Thịnh Group được biết đến là 1 trong những công ty đi đầu và sớm nhất của ngành rau quả chế biến xuất khẩu của Việt Nam áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các loại cây nhiệt đới tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đến nay, các sản phẩm của Tiến Thịnh đã có mặt khắp 4 châu lục gồm châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á. Đồng thời là đối tác bền vững của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, bán lẻ như Costco, Refresco, Tropextrakt…
Với vốn điều lệ hơn 205 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính của Tiến Thịnh là sản xuất nước cốt ép và nước cốt ép cô đặc các loại trái cây như: chanh dây, tắc, mãng cầu, thanh long, dứa, đu đủ, dưa hấu, chanh và sơ-ri; chế biến các sản phẩm trái cây sấy dẻo…cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Được biết, TT6 mới niêm yết hơn 20 triệu cổ phiếu trên UPCoM từ tháng 8/2024. Trong đó, 50,3% vốn thuộc về ông Phạm Tiến Hoài, cổ đông sáng lập và là nhân vật quan trọng trong quá trình phát triển của Công ty.
Hoạt động kinh doanh của TT6 vẫn duy trì mức lãi ổn định nhưng đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của công ty đạt khoảng 191 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng lên mức 27 tỷ đồng, phản ánh sự cải thiện hiệu quả trong hoạt động. Lợi nhuận ròng đạt 4,7 tỷ đồng, không tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, TT6 ghi nhận lợi nhuận ròng 8 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 14 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2021. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm trong thị trường xuất khẩu, gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh chung của công ty.
Về định hướng sắp tới, Lãnh đạo tập đoàn cho biết, nhằm đáp ứng giai đoạn phát triển mới, thời gian qua, ngoài vùng chuyên canh trọng yếu Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tiến Thịnh đang mở rộng với nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng hay các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và loại trái cây.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN