Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, 2 cổ đông nước ngoài Credit Suisse AG Singapore Branch và Ardolis Investment Pte.Ltd (thuộc Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore (GIC)) đã thoái hoàn toàn vốn tại CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.
Theo bản thông tin, tại ngày 12/2, vốn điều lệ của VCM vẫn là gần 6.437 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sở hữu của GIC tại VCM là 0% trong khi trước đây là 16,26%.
|
Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. |
VCM là công ty mới được thành lập hồi đầu tháng 8/2019, ban đầu có vốn điều lệ 1 tỷ đồng do Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng góp vốn 64,3%; hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Chủ tịch của VCM là bà Mai Hương Nội - Phó Tổng Giám đốc Vingroup.
Sau đó, Công ty VCM đã thay đổi mức vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 6.437 tỷ đồng (bằng đúng vốn điều lệ của VinCommerce).
Cuối tháng 8/2019, (GIC) đã rót 500 triệu USD vào công ty phụ trách mảng bán lẻ thuộc Tập đoàn Vingroup là VCM để sở hữu 16,26% tại đây. Trong đó, Credit Suisse AG Singapore Branch, nắm giữ 6,5% vốn và Ardolis Investment Pte.Ltd nắm 9,76% vốn.
Tuy nhiên đến tháng 12/2019, Vingroup bất ngờ chuyển giao VCM cho CTCP Tập đoàn Masan trong thương vụ sáp nhập kỷ lục ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng.
Kể từ đó, vị trí Chủ tịch của VCM là bà Mai Hương Nội đã chuyển sang cho ông Nguyễn Đăng Quang, người được biết đến nhiều hơn là Chủ tịch của Masan.
|
GIC đã thoái vốn khỏi VCM? |
Masan cho biết sẽ thành lập pháp nhân mới trong năm 2020 sở hữu 83,74% vốn VCM và 85,7% vốn Masan Consumer Holdings. Masan là công ty mẹ nắm 70% cổ phần và phát hành quyền chọn cho các bên bán VCM nắm giữ tổng cộng 30%.
Các bên bán gồm Vingroup (64,3%) và các nhà đầu tư khác (19,44%) trong khi nhà đầu tư sở hữu 16,26% cổ phần không hoán đổi.
Như vậy, có khả năng là nhóm GIC này đã rút khỏi vốn khỏi VCM sau hơn nửa năm đầu tư vào chuỗi VinMart và VinMart+.